Doanh nghiệp phân bón - hóa chất ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, nhưng đối diện nhiều rủi ro từ giá và chính sách

Quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón – hóa chất công bố kết quả kinh doanh tích cực nhờ giá bán phục hồi. Tuy nhiên, các yếu tố đầu vào, biến động thị trường và chính sách mới đang đặt ra những thách thức chiến lược về điều hành và cạnh tranh. Trong bối cảnh giá ure, phốt pho vàng và xút phục hồi, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành hóa chất – phân bón đã tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong 26 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, có tới 19 đơn vị báo lãi tăng. Chỉ 3 doanh nghiệp giảm lãi và 4 đơn vị ghi nhận lỗ.

Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận sau thuế đạt 809 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, nhờ tăng doanh thu ở các sản phẩm chủ lực. Đạm Cà Mau (DCM) đạt lợi nhuận 411 tỷ đồng (+19%) trong khi Phân bón Bình Điền (BFC) báo lãi 93 tỷ đồng (+43%), cùng mức tăng doanh thu lần lượt 25% và 32%. Đạm Phú Mỹ (DPM) giảm lãi ròng 20% dù doanh thu tăng 25% và lãi gộp tăng 8%. Doanh nghiệp lý giải mức suy giảm lợi nhuận do chi phí tăng và thay đổi chính sách bán hàng. Các công ty thuộc Vinachem như DDV, LAS, CSV, HVT, VAF, NFC đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Đáng chú ý, DDV có lãi 122 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ; VAF và NFC lần lượt lãi 34 và 39 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần và 2,2 lần. LAS đạt mức lợi nhuận cao nhất trong gần 10 năm qua với 72 tỷ đồng (+37%). Đạm Hà Bắc (DHB) là trường hợp ngoại lệ khi lợi nhuận giảm 59%, còn 16 tỷ đồng. Mặc dù lãi gộp tăng mạnh, nhưng không còn khoản thu nhập bất thường 142 tỷ đồng từ việc xóa nợ lãi vay như cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, có 4 doanh nghiệp lỗ, trong đó ABS và VPS chuyển từ lãi sang lỗ. ABS lỗ 1,7 tỷ đồng do phải hỗ trợ đại lý giữ thị phần. VPS lỗ 6,4 tỷ đồng do thời tiết ảnh hưởng đến hoạt động gieo trồng, làm tăng tồn kho và giảm doanh thu. Dự báo cho quý II, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định giá ure có thể tiếp tục tăng nhờ nhu cầu nội địa và tác động từ chính sách áp thuế VAT 5% với phân bón trong nước.

Trong khi đó, giá các hóa chất cơ bản như xút và phốt pho vàng nhiều khả năng sẽ suy giảm hoặc dao động ở vùng thấp do tồn kho tăng và nhu cầu hạ nguồn yếu. Ngoài biến động thị trường, các doanh nghiệp còn phải tính toán chiến lược mới trước rủi ro chính sách. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phốt pho vàng từ 5% lên 15% nhằm bảo vệ môi trường. Nếu được thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đánh giá lại kế hoạch kinh doanh do ảnh hưởng đến lợi nhuận và năng lực cạnh tranh.

Ánh Vân

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/doanh-nghiep-phan-bon--hoa-chat-ghi-nhan-loi-nhuan-tang-manh-nhung-doi-dien-nhieu-rui-ro-tu-gia-va-chinh-sach-83221.html