Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đủ khả năng trả nợ và không có nợ xấu trong 12 tháng
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu mà các tổ chức tín dụng thẩm định và không có nợ xấu trong vòng 12 tháng.
Kiểm soát dòng vốn, tránh trục lợi chính sách
Ngày 9/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực ngân hàng, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu vấn đề: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp như thế nào để kiểm soát chương trình cho vay cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% trong gói phục hồi kinh tế, để tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết, đặc biệt là trục lợi chính sách? Theo đại biểu, sau đại dịch, có nhiều doanh nghiệp còn có khoản vay đang phải hoãn, giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Những doanh nghiệp này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết làm thế nào để doanh nghiệp này tiếp cận được gói hỗ trợ?
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói hỗ trợ mà doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Trong quá trình xây dựng Nghị định 31, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Chính phủ cũng tổ chức các cuộc họp cho ý kiến để làm sao thiết kế ra các quy định đảm bảo được việc triển khai thuận lợi, nhất là hạn chế những khó khăn, vướng mắc.
Để đảm bảo được các đối tượng rõ ràng, tại Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ đối với hai nhóm đối tượng. Đó là nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về phân ngành kinh tế. Từ trước đến nay, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đều có sự phân ngành kinh tế theo chuẩn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ hai, nhu cầu cho vay đối với việc cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, vấn đề này do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát và công bố danh mục để có cơ sở rõ ràng. Để thiết kế một cách công bằng, công khai thì có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan trong khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán. Đặc biệt, trong Nghị định này cũng có quy định sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán khoản vay này.
Toàn cảnh phiên họp, ngày 9/6.
Đối với biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có khoản nợ cũ không có tài sản đảm bảo tiếp cận được gói hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ khi bàn thảo, trình Quốc hội và Quốc hội đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp một số phiên để xem xét về vấn đề này, trong đó thấy rằng gói này hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng ở đây phải là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Như vậy, trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng, các đối tượng, các doanh nghiệp thuộc các ngành được hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi mới được cho vay. Nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá, các tổ chức tín dụng đánh giá là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, thực sự các doanh nghiệp cũng không tiếp cận được chương trình này. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COIVD-19 chứ không nằm trong chương trình này...
Nguy cơ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với hệ thống ngân hàng
Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) lại quan tâm đến vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá như thế nào về nguy cơ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với hệ thống ngân hàng? Hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vai trò các tổ chức tín dụng là người phát hành trái phiếu, việc này như một hình thức huy động tiền của người dân. Người dân có thể gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi hoặc có thể mua trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu này và có kỳ hạn trên 1 năm. Như vậy, có một thuận lợi cho người dân có thể nắm giữ trái phiếu này, khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi. Đối với các tổ chức tín dụng mà phát hành trái phiếu chuyển đổi, người dân có thể thay vì nắm giữ tiền cũng có thể trở thành cổ đông nhỏ lẻ của tổ chức tín dụng.
Trong quá trình quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định với điều kiện, tiêu chuẩn. Các tổ chức tín dụng phải đồng thời thực hiện các quy định pháp luật về chứng khoán, tức là trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 153.
Với vai trò các tổ chức tín dụng là người đi mua, đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, đối với những cái khoản đầu tư mua trái phiếu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những quy định chặt chẽ, các tổ chức tín dụng nợ xấu trên 3% sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu mà các tổ chức dụng thẩm định và không có nợ xấu trong vòng 12 tháng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức rà soát kỹ, nhận diện rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Liên quan đế vấn đề về xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giải pháp phòng ngừa là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng đến tiếp tục nâng cao năng lực quản trị.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng điều kiện. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; thường xuyên có cảnh báo đối với hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro nợ xấu.