Doanh nghiệp rượu xoay xở vượt 'bão' COVID-19

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành rượu đang lao đao vì COVID-19 thì một số đang đạp sóng dữ, vượt lên sau đại dịch.

Đòn kép từ COVID-19 và Nghị định 100 khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu lao dốc không phanh. Nhưng trong khó khăn, một số doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp khác nhau đã nỗ lực tự cứu mình sau những biến động của thị trường.

Doanh thu tăng đột biến, Vodka Hà Nội vẫn chưa hết lỗ

Báo cáo tài chính quý I/2021 của Công ty cổ phần Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán HNR) vừa công bố cho thấy Halico đạt doanh thu thuần gần 36 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Doanh thu bán rượu chiếm chủ yếu khoảng 96%.

Tăng mạnh về doanh thu trong khi giá vốn gần nhu giữ nguyên khiến Halico lãi gộp 11,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2020. Trừ các khoản chi phí, ông chủ thương hiệu Vodka Hà Nội ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 1 tỷ đồng, giảm sâu so với số lỗ hơn 8,6 tỷ đồng của quý I/2020.

Tuy Halico còn khoản tiền 613,4 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển nhưng hiện lỗ lũy kế đã hơn 445 tỷ đồng. Doanh nghiệp chuyên về rượu vodka đang gánh khoản nợ phải trả hơn 20 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Halico cũng đang tồn kho hơn 70 tỷ đồng và có gần 11 tỷ đồng nợ xấu. Trên thị trường, cổ phiếu HNR đang đứng mức 12.000 đồng/cổ phiếu nhưng “đóng băng” thanh khoản.

Theo Halico hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng với mặt hàng thực phẩm nói chung và rượu nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh và bao bì mẫu mã… Hệ lụy của các chính sách, hệ thống bán hàng từ những năm trước chuyển sang vẫn còn tác động tiêu cực mà chưa thể giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu nội địa khác và nhất là đối mặt tình trạng trốn thuế, hàng lậu, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.

Đặc biệt, Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng nề, khiến doanh thu sụt giảm trầm trọng.

Thay đổi để vượt đại dịch

Cùng với Vodka Hà Nội, số thương hiệu Vodka khác như Vodka Cá Sấu, Vodka Men cũng đang chật vật.

Đối với “ngôi sao mới nổi” trên thị trường Vodka nội, là Vodka Sói, lãnh đạo thương hiệu rượu này thừa nhận đại dịch COVID-19, Nghị định 100 và rượu lậu, rượu giả cũng gây ra nhiều khó khăn cho Vodka Sói. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu rượu mạnh sẽ giảm sâu theo Hiệp định EVFTA cũng là một thách thức đối với các nhà sản xuất Vodka trong nước.

Trước hàng loạt khó khăn ấy, một số hãng rượu nội đã tìm ra nhiều giải pháp để tự cứu mình, vượt lên sau dịch. Theo đại diện NewBev Group, chủ thương hiệu Vodka Sói, “chúng tôi xác định những khó khăn mang tính khách quan hiện nay đồng thời cũng là cơ hội để vượt qua và bật dậy chiếm lĩnh thị trường”.

Chúng tôi tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để đáp ứng xu hướng sử dụng rượu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác triển khai các chính sách bán hàng phù hợp, tăng cường công tác kiểm soát thị trường, hướng đến xuất khẩu”, đại diện NewBev Group cho hay.

Đại diện NewBev Group cho biết, sau hơn một năm ra mắt, hiện Vodka Sói Xanh (Sói Green) và Sói Trắng (Sói Direwolf) đã có mặt ở hơn 30 tỉnh, thành. Năm nay NewBev Group dự kiến ra mắt 2 dòng sản phẩm nữa, trong đó có loại độ cồn thấp và một dòng vokda ngâm với dược liệu, phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng đa dạng của cả giới trẻ và lớp người dùng có tuổi.

Mục tiêu của NewBev Group là sau 3 năm chiếm trên 50% thị phần rượu Vodka ở Việt Nam. Khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ hướng đến xuất khẩu. Hiện công ty đang thăm dò thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nga và Ukraina. Theo thông tin ban đầu, khách phản ứng khá tốt với chất lượng, hương vị của Vodka Sói”, đại diện NewBev Group cho biết thêm.

Vẫn theo NewBev Group, Vodka nội địa trong nhiều năm qua đã phần nào giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về rượu sạch, mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn với giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo.

Các thương hiệu rượu Vodka nội địa cũng nhanh nhạy trong việc đáp ứng các xu thế tiêu dùng mới (rượu nhẹ độ, rượu ngâm hoa quả…) và không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã bao bì để mang tới cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất.

Với vodka Sói, chúng tôi sử nguồn nguyên liệu cao cấp nhất trên thị trường hiện nay là cồn gạo 100%. Ngoài ra chúng tôi cũng nghiên cứu đưa ra nồng độ thích hợp với điều kiện khí hậu và thể lực của người Việt Nam mà vẫn tối ưu hóa hương thơm và vị đặc trưng của rượu”, đại diện NewBev Group nói.

Trước tình trạng làm nhái, làm giả các thương hiệu rượu tràn lan trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp đã nghiên cứu để Vodka Sói không thể làm giả. Theo đó, toàn bộ phần bao bì của chai rượu (tem, nút, foil…) đều được sản xuất tại châu Âu và tích hợp các giải pháp chống hàng nhái, hàng giả bằng công nghệ tiên tiến nhất châu Âu hiện nay.

Tuy nhiên, cũng như chủ các nhãn hiệu Vodka nội địa nổi tiếng khác, lãnh đạo NewBev Group mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, đặc biệt là quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý cơ sở sản xuất rượu lậu, rượu giả. “Làm tốt khâu này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người Việt, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng cho nhà nước”, lãnh đạo NewBev Group nói.

Quỳnh Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doanh-nghiep-ruou-xoay-xo-vuot-bao-covid-19-ar609304.html