Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xe buýt điện nhưng vẫn khó về trạm sạc

Đến năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh, xe buýt điện song vướng mắc hiện nay vẫn là trạm sạc và chính sách.

Sáng ngày 30-7, Sở GTVT TP.HCM tổ chức Hội thảo chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện với hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM.

Năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh

Ông Phạm Vương Bảo - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM thông tin hiện tại TP.HCM có 2.209 xe buýt đang hoạt động. Trong đó có 546 xe buýt điện và CNG (chiếm 24,7%).

Kế hoạch đấu thầu các tuyến xe buýt từ 2024-2025 sẽ đấu thầu 69 tuyến với 1.449 xe. Đến năm 2030, TP sẽ có tổng cộng 108 tuyến với 1.901 xe.

 TP.HCM đang từng bước chuyển đổi sang xe buýt điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

TP.HCM đang từng bước chuyển đổi sang xe buýt điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hiện TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất giai đoạn từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt chuyển sang xe CNG, xe điện. Năm 2026, toàn bộ xe buýt đang hoạt động sẽ chuyển sang xe điện.

"Đến năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh. Trong quá trình nghiên cứu, TP sẽ đánh giá kỹ giữa CNG và xe buýt điện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tuy xe buýt điện chưa phải đích đến cuối cùng trong phát triển giao thông nhưng là sự lựa chọn tối ưu trong 10-15 năm tới” – ông Bảo nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty CP Xe khách Phương Trang – Futabusline cho biết Phương Trang ủng hộ triển khai chuyển sang xe xanh, song khó khăn hiện nay là trạm sạc. Vì vậy, để đón đầu xu thế, Phương Trang đã nghiên cứu nhiều giải pháp để năm 2025 có thể sử dụng xe nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, muốn làm nhanh thì cần sự chung tay từ nhà nước và trạm sạc phải được phủ đều.

Tương tự, Saigon Bus cũng cho biết hiện nay công ty đã có 170 xe CNG. Với lộ trình mà TP.HCM đưa ra, doanh nghiệp quan tâm đến chi phí đầu vào - xe điện khoảng 6 tỉ đồng, đó là con số lớn. Vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cần có chính sách hỗ trợ lãi vay, định mức kinh tế kỹ thuật, trạm sạc, quy hoạch bến bãi sạc…

PSG TS Phạm Xuân Mai – Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết toàn cầu có 23 triệu xe buýt CNG, tập trung ở các nước có điều kiện không tốt, lạc hậu.

Xe buýt điện sẽ chiếm ưu thế trong tương lai và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ, sự ưa chuộng từ người tiêu dùng và các TP lớn.

Từng bước chuyển đổi xe buýt điện, ô tô, xe máy...

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết TP đang xây dựng đề án làm 183 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới, cuối năm nay trình Quốc hội để năm sau bắt đầu triển khai. Đây là một bước góp phần chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, phát triển giao thông bền vững.

 Hiện TP.HCM đã lên sơ đồ các trạm sạc giai đoạn 1 từ nay đến 2030. Trước mắt các bến xe buýt là nơi ưu tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hiện TP.HCM đã lên sơ đồ các trạm sạc giai đoạn 1 từ nay đến 2030. Trước mắt các bến xe buýt là nơi ưu tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đồng thời, Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM ban hành cơ chế chính sách chuyển đổi phương tiện hóa thạch sang năng lượng xanh, gắn với phát triển giao thông công cộng. Các đơn vị đã nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và tại huyện Cần Giờ, qua đó nhận định được xu thế phát triển và xác định được nhiều vấn đề về hạ tầng, tính khả thi, chính sách thực hiện…

Hiện TP.HCM nghiên cứu triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ nay đến tháng 9 xong cơ chế chuyển đổi trước xe buýt điện, CNG. Song song đó, TP.HCM cũng nghiên cứu thêm cơ chế chính sách chuyển đổi taxi, xe công nghệ sang xe điện.

Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi tất cả xe từ công tới tư, xe máy, ô tô. TP sẽ tính toán chuyển đổi vùng nào trước, đối tượng nào trước và quy trình kiểm soát, hạ tầng năng lượng, tiêu chuẩn cụ thể, phòng cháy, xử lý pin thải…

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM ghi nhận các đơn vị đã thống nhất cao rằng xe điện là xu thế và khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, để triển khai cần nghiên cứu kỹ về trạm sạc (hạ tầng phục vụ) và chính sách (nhà nước hỗ trợ gì, định mức, đơn giá).

Hiện TP đã lên sơ đồ các trạm sạc giai đoạn 1 từ nay đến 2030, trước mắt các bến xe buýt là nơi ưu tiên làm trạm sạc. Bên cạnh đó, định mức đơn giá rất quan trọng, đầu tư vào để kinh doanh vận tải công cộng, làm sao để nhà đầu tư mua được phương tiện và nguồn thu đủ để hoàn vốn khấu hao xe.

TP.HCM đang vận dụng Nghị quyết 98 thiết kế có hỗ trợ và mạnh dạn nghiên cứu những xe gần như xe buýt nhưng sức chở nhỏ và lớn hơn thì định mức khác. TP.HCM sẽ có hội nghị chuyên đề với các đơn vị và hiệp hội kinh doanh vận tải và sở ngành liên quan để bàn bạc chuyên sâu về phương án thực hiện.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-san-sang-dau-tu-xe-buyt-dien-nhung-van-kho-ve-tram-sac-post802841.html