Doanh nghiệp sẵn sàng, 'ngóng' mở cửa du lịch quốc tế càng sớm càng tốt
Doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng quay trở lại đường đua sau chuỗi ngày dài vì Covid-19.
Trao đổi với TheLEADER, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết tính đến thời điểm này, lượng khách đến Đà Nẵng nói chung giảm, bởi ba điểm đến là Bà Nà, núi Thần Tài và công viên châu Á chưa mở cửa trong dịp Tết năm nay. Phía chủ đầu tư đã cân nhắc, quyết định hoạt động để dừng sửa chữa và có kế hoạch quay trở lại sau.
Quan sát và dữ liệu cho thấy khách tại chỗ và các địa phương lân cận, khách tới chơi ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tín hiệu khách du lịch thực chất lại tốt hơn, lạc quan hơn. Nguyên nhân là bởi khách lưu trú – những khách đến ở tại khách sạn tăng mạnh, tăng tới 3 – 4 lần so với cùng thời điểm của năm ngoái.
Về vấn đề mở cửa đón khách quốc tế, vị Chủ tịch HĐQT CTCP Vietnam Travelmart nhấn mạnh và cho rằng thời điểm 1/4 là hợp lý, vì tháng 4 sẽ có một số nguồn khách cao điểm, cũng như các doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị.
“Nếu đợi đến 30/4 1/5 thì chậm. Nếu mở cửa thời điểm 1/3 thì càng tốt, và nhiều doanh nghiệp mong muốn mở cửa vào thời điểm này”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cho biết thêm hiện nay, các nguồn khách trong nước đến Đà Nẵng đã khá ổn, chỉ còn “ngóng” khách nước ngoài. Trong năm nguồn khách lớn với địa phương này, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan thì hiện có thể mở cửa ngay với Thái Lan, các thị trường còn lại vẫn yêu cầu cách ly khi quay về.
Không chỉ có đại diện Vietnam Travelmart, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cũng đề xuất và mong muốn mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế càng sớm càng tốt.
Một số chủ khách sạn tại Nha Trang cho biết ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu ổn định, các doanh nghiệp đã chủ động kết nối nhiều hơn, “hâm nóng” nhanh hơn mối quan hệ với các đối tác, các tour khách nước ngoài.
“Mọi người trụ được đến giờ này đều “nóng lòng”, mong muốn nhanh chóng đón khách quốc tế trở lại hoàn toàn, bởi đây là nguồn khách rất quan trọng với mức chi tiêu cao. Cùng với đó, dòng khách đi theo mùa, và phụ thuộc điều kiện dịch bên nước bạn, nên nếu để lỡ, du lịch có thể sẽ lún sâu vào khó khăn không thoát ra được”, vị này cho hay.
Tại hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” gần đây, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh: “Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn”.
Ông Bình phân tích rằng mở cửa đón khách du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến tình hình dịch trong nước, và quá trình thí điểm vừa qua đã cho thấy điều này.
Việc không mở cửa trở lại với nguồn khách nước ngoài cũng sẽ đi ngược lại với chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục kinh tế của Chính phủ.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây cũng nhấn mạnh khuyến nghị Việt Nam cần tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc mở cửa du lịch trở lại, ít nhất ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng lớn nhất trong việc phục hồi nền kinh tế, và thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Mọi thứ đã sẵn sàng
Về nguồn lực chuẩn bị cho kế hoạch đón khách quốc tế, ông Dũng cho biết các doanh nghiệp không hề gặp khó khăn gì, và thậm chí, chất lượng còn tốt hơn vì đã có nguồn khách nội địa trước đó.
“Các khách sạn không bị áp lực quá lớn về số khách tập trung đông, nên chất lượng tốt hơn. Du khách đi du lịch vào thời điểm hiện nay sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều tiện ích hơn, các sản phẩm dễ mua với giá thành hợp lý”, ông chia sẻ.
Theo nhận định, mức khách nhìn chung sẽ không quay trở lại nhanh so với thời điểm năm 2020, bởi quý I/2020 lượng du khách vẫn rất đông, và thậm chí kéo dài tới cả tháng 6 – 7.
“Với tình hình năm nay, ngành du lịch gần như đã hết quý I, và có thể đến tận quý III, IV mới tăng mạnh trở lại. Dự báo vượt 2020 khoảng 15 – 20% là triển vọng, lạc quan”, ông Dũng phân tích.
Ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành Alma Resort, chia sẻ sự lạc quan với triển vọng du lịch 2022 dù ngành này đã hứng chịu nhiều tác động nặng nề thời gian vừa qua.
Trong thời gian phải tạm dừng đóng cửa, đội ngũ Alma đã tận dụng thời gian này để nâng cao năng lực và phát triển nhiều dịch vụ mới sẵn sàng cho ngày quay trở lại.
Đơn cử, khu nghỉ dưỡng đã khởi động dự án lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, tổ chức các khóa học trực tuyến để nâng cao kỹ năng, thiết kế tour tham quan khu vực vận hành nội bộ ‘Back of House’ và cập nhật nhiều tính năng mới cho ứng dụng di động Alma App.
“Mọi thứ đang dần dần quay lại, nhưng dĩ nhiên sẽ cần thêm thời gian để nhu cầu du lịch tăng trở lại với những con số khủng mà chúng ta đã từng thấy sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ nhất và thứ hai tại Việt Nam”, vị này đánh giá.