Doanh nghiệp sản xuất đá vật liệu xây dựng vượt khó

Thanh Hóa hiện có 221 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190 triệu m3, tổng công suất khai thác đạt khoảng 8,29 triệu m3/năm.

Dù khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nhưng Công ty TNHH Châu Quý, xã Hà Tân (Hà Trung) vẫn duy trì việc làm cho người lao động.

Ngay sau khi được cấp phép khai thác, hầu hết các doanh nghiệp đã huy động nguồn vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cấp dây chuyền khai thác hiện đại. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng và có những doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng mở đường lên núi. Quy mô đầu tư hiện đại dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng với số vốn lớn để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được do nhu cầu xây dựng giảm mạnh, việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng hàng tiêu thụ sụt giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ. Để chống đỡ với khó khăn này, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường, cắt giảm chi tiêu, thu hẹp sản xuất, giảm việc làm của lao động, thậm chí là giảm lương.

Công ty TNHH Châu Quý (xã Hà Tân, Hà Trung) được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ từ năm 2016 với thời hạn 30 năm, trữ lượng khai thác cấp phép 114.000m3/năm. Hàng năm công ty cung ứng khoảng 100.000m3 đá VLXD phục vụ thi công các công trình xây dựng dân dụng trong tỉnh, trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2023, nhất là từ tháng 3 đến nay lượng hàng cung ứng ra thị trường sụt giảm tới 50% so cùng kỳ năm 2022 nên hiện tại hàng tồn kho rất nhiều. Giám đốc Công ty Lê Văn Thiện cho biết: Chưa năm nào nghề khai thác đá lại khó khăn như thế, hàng hóa sản xuất ra ế ẩm, tiêu thụ rất chậm, giá cả không tăng, trong khi đó chi phí khai thác ngày càng lớn. Trong khó khăn này, công ty vẫn phải cố gắng để duy trì hoạt động và giữ chân người lao động. Hiện tại, công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được cải thiện, công ty sẽ phải đóng cửa vì tất cả tài sản của gia đình đã đem ra thế chấp vay vốn ngân hàng.

Tương tự, Công ty CP đá Phú Thắng (xã Yên Lâm, huyện Yên Định) là doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến đá VLXD phục vụ thi công các công trình giao thông, xây dựng dân dụng và xuất khẩu. Giám đốc Công ty Nguyễn Chí Nam cho biết: Hằng năm đơn vị cung ứng khoảng 50.000 đến 55.000m3 đá VLXD cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu xây dựng giảm mạnh, từ đầu năm 2023 đến nay lượng hàng tiêu thụ giảm từ 35 đến 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khó khăn này, đơn vị không còn cách nào khác, buộc phải giảm dây chuyền sản xuất, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Vì vậy, từ 100 lao động với mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/người/tháng, nay số lao động làm việc tại công ty giảm còn 90 lao động với thu nhập 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm không chỉ xảy ra tại 2 công ty trên, mà còn là khó khăn chung của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh. Về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Thọ cho biết: Ngoài tác động của bão giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, suy thoái kinh tế toàn cầu và rào cản thương mại của các nước nhập khẩu VLXD, trong nước lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, kéo theo các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, dự án khu đô thị gần như đóng băng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu đá VLXD, đá lát vỉa hè, sân vườn trên thị trường. Theo thống kê sơ bộ, doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá VLXD 11 tháng năm 2023 giảm khoảng 60% (đối với đá nội địa) và giảm từ 70 - 80% (đối với đá xuất khẩu sang thị trường châu Âu). Đây là mức suy giảm chưa từng có trong lịch sử ngành đá.

Để chống đỡ với khó khăn này, một mặt hiệp hội động viên các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường, cắt giảm chi tiêu, thu hẹp sản xuất, giảm việc làm của lao động, thậm chí là giảm lương. Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong nước, ngoài nước do UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. Trên cơ sở đó tạo cơ hội để doanh nghiệp kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm đá Thanh Hóa đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiệp hội cũng mong muốn UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo chủ đầu tư dự án khi xây dựng các công trình dự án hoặc chỉnh trang đô thị có sử dụng sản phẩm đá VLXD nên ưu tiên sử dụng sản phẩm đá Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-san-xuat-da-vat-lieu-xay-dung-vuot-kho/201089.htm