Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó
Năm 2024, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ còn khó khăn hơn năm 2023 do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao; dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, giá thịt thương phẩm bấp bênh, giá con giống cao, người chăn nuôi chậm tái đàn. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn vừa hoạt động, vừa 'nghe ngóng' tình hình thị trường để điều chỉnh công suất hoạt động phù hợp, hạn chế hàng tồn kho.
Theo số liệu từ các ngành chức năng, sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nhất là năm 2023. Riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn, bằng 85% kế hoạch năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm nông dân chăn nuôi lợn thua lỗ khiến người chăn nuôi dè dặt trong việc tái đàn. Bên cạnh đó, những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, xung đột ở một số nơi trên thế giới, vấn đề việc làm, khủng hoảng kinh tế… khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, sức mua yếu ảnh hưởng đến nguồn cung thịt thương phẩm, từ đó khiến ngành chăn nuôi gặp khó, thức ăn chăn nuôi chậm tiêu thụ.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn trong 3 năm trở lại đây. Năm 2023, sản lượng sản phẩm tiêu thụ giảm 30% so với năm 2022 và giảm gần 50% so với thời điểm trước bùng phát dịch Covid -19. Sức tiêu thụ chậm, giá nguyên liệu đầu vào cao, trong những tháng đầu năm 2024, công ty tiếp tục phải giảm sản lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng như sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thêm vào đó, công ty cũng không còn duy trì được doanh thu từ việc làm kênh trung gian nhập nguyên liệu về cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trên địa bàn bởi thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi gặp khó, các doanh nghiệp đều giảm công suất hoạt động.
Năm 2024, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương “khiêm tốn” đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ khoảng 45.000 tấn thức ăn chăn nuôi, bằng 100% năm 2023. Hiện, Hoàn Dương đang kỳ vọng, giá nguyên liệu đầu vào dự báo có khả năng “hạ nhiệt” trong nửa cuối năm 2024 sẽ làm giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó tạo động lực để doanh nghiệp tăng doanh thu từ việc khai thác thêm mảng cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) liên tục giảm sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trong những năm gần đây. Ảnh: Hân Hân
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương cho biết: Hiện 100% nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty đều nhập khẩu từ nước ngoài, tập trung nhiều nhất là ở Ấn Độ, Đan Mạch, Nga, các nước Nam Mỹ… Chi phí nguyên liệu, dịch vụ logistics luôn ở mức cao, trong khi đó, để kích cầu tiêu dùng, công ty phải giảm giá bán đối với hầu hết các sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, giá lợn giống cũng đang ở mức cao khiến cho nhiều nông hộ, nông trại buộc phải “trống chuồng” hay giảm quy mô đàn nuôi. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh. Công ty đã liên tục phải cắt giảm lao động ở các bộ phận sản xuất, thời điểm này cũng không dám sản xuất ồ ạt để hạn chế hàng tồn kho.
Tương tự, khó khăn chồng chất khó khăn, năm 2023, sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà, KCN Đồng Văn II chỉ bằng 85% so với năm 2022 và không đạt kế hoạch. Giải pháp được công ty đẩy mạnh triển khai nhằm duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn là tìm kiếm, nhập mua nguồn nguyên liệu có giá thành thấp nhất để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ, hướng tới ứng dụng tự động hóa ở các khâu sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí thuê nhân công…
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Ánh, Giám đốc hành chính Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và với Hồng Hà nói riêng là các trang trại, nông hộ chăn nuôi đang rất hạn chế tái đàn đối với đàn gà, lợn do giá gà thương phẩm không ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phấn đấu sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 của Hồng Hà tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên, chỉ tiêu này sẽ rất khó đạt nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát và giá nguyên liệu vẫn ở mức cao như hiện nay. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần có những giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt các tuyến biên giới, không cho lợn nhập lậu vào Việt Nam. Qua đó, giúp cho ngành chăn nuôi trong nước có thể khởi sắc trong thời gian tới, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phục hồi, phát triển.