Doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu vào Mỹ

Những năm gần đây, xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô lớn nhất. Nhưng trong quý I/2023, các con số này đã bị giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chung của cả nước. Doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có một số năm ghi dấu ấn đáng lưu ý.

Trước 1995, xuất khẩu sang Mỹ không đáng kể, Việt Nam ở vị thế nhập siêu cũng rất ít, bởi 2 nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Từ năm 1995, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt mức khá, tăng nhanh, liên tục qua các năm và chuyển sang vị thế xuất siêu. Năm 2001, sau khi Hiệp định thương mại song phương được ký kết, lần đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ vượt qua mốc 1 tỷ USD. Năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lần đầu tiên vượt qua mốc 11 tỷ USD và xuất siêu ở mức khá cao.

Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng xuất khẩu vượt qua mốc 96 tỷ USD và xuất siêu lần đầu tiên vượt qua mốc 81 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 109,38 tỷ USD, xuất siêu đạt xấp xỉ 95 tỷ USD (Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Mỹ, với 127,5 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc với 536,8 tỷ USD, Mexico với 454,9 tỷ USD, Canada 437,7 tỷ USD, Nhật Bản 148,3 tỷ USD, Đức 146,6 tỷ USD). Xuất siêu của Việt Nam với Mỹ đứng thứ 3 (sau Trung Quốc 383 tỷ USD và Mexico 324,4 tỷ USD).

So với năm 1995, năm 2022 xuất khẩu của Việt nam sang Mỹ cao gấp 644,6 lần (lớn hơn nhiều so với con số tương ứng 68,1 lần của cả nước).

Kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố. Mỹ là thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới. Từ năm 2017 đến 2020, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ của Mỹ bình quân đạt 2.986 tỷ USD/năm (theo đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm 7,3% tổng nhập khẩu của Mỹ). Người Việt Nam sinh sống tại Mỹ khoảng trên 2 triệu người (chiếm 0,7% tổng dân số Mỹ), không những là cầu nối quan trọng giữa 2 nước, mà còn có trên 2.000 dự án đầu tư về Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có giá khá rẻ, với tỷ giá sức mua tương đương cao gấp khoảng 2,44 lần tỷ giá hối đoái…

Trong quý I/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 20,764 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ, chiếm 54,2% tổng mức giảm của cả nước. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 3,023 tỷ USD, giảm 12,1% (thấp hơn tốc độ giảm của cả nước). Do tốc độ giảm và mức giảm của xuất khẩu lớn hơn của nhập khẩu, nên xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ cũng bị giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (17,741 tỷ USD so với 22,823 tỷ USD, giảm 5,082 tỷ USD). Mặc dù mức xuất siêu với Mỹ vẫn còn lớn hơn nhiều lần tổng mức xuất siêu của cả nước (gấp gần 3,7 lần), nhưng việc xuất siêu vào Mỹ bị sụt giảm lớn sẽ làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tổng xuất siêu của cả nước sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Về mặt hàng, trong tổng 34 mặt hàng xuất khẩu lớn (từ 10 triệu USD trở lên) có tới 29 mặt hàng bị giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu) có 10 mặt hàng. Mức giảm lớn nhất là dệt may (1,324 tỷ USD), tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ (1,016 tỷ USD); giày dép (832,2 triệu USD); điện thoại (630,8 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (521,8 triệu USD); thủy sản 290,7 triệu USD); sắt thép (156,3 triệu USD); sản phẩm từ chất dẻo (137,2 triệu USD); túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (120,3 triệu USD); phương tiện vận tải (102,8 triệu USD).

Trong khi xuất khẩu giảm, thì nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Mỹ cũng giảm. Trong số 22 mặt hàng nhập khẩu (trên 10 triệu USD), thì có 11 mặt hàng giảm, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 2 mặt hàng là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 395 triệu USD) và Bông (giảm 144,7 triệu USD).

Sụt giảm về xuất khẩu trong quý I/2023 với Mỹ là dấu hiệu cho thấy, khả năng cả năm sẽ khó đạt được quy mô như năm trước, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nước.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nhiều báo cáo, phân tích chỉ ra, nền kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các mối khách cũ, tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.

Minh Nhung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-vao-my-d188820.html