Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành những đơn hàng trong năm, đạt mục tiêu, kế hoạch về doanh thu, sản lượng đã đề ra từ đầu năm. Những tín hiệu tích cực trong ba tháng của quý III chính là bước đệm quan trọng để sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành những đơn hàng trong năm, đạt mục tiêu, kế hoạch về doanh thu, sản lượng đã đề ra từ đầu năm. Những tín hiệu tích cực trong ba tháng của quý III chính là bước đệm quan trọng để sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong nửa đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh chịu tác động “kép” do tổng cầu thế giới suy giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều lĩnh vực sản xuất, nhất là mặt hàng may mặc, đồ uống, đồ chơi trẻ em, sản xuất phương tiện, doanh nghiệp liên tục phải đối diện với thực trạng thiếu đơn hàng. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao cũng khiến cho một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hay thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, những “mảng màu tối” trong bức tranh công nghiệp đã dần tươi sáng hơn trong quý III khi các doanh nghiệp đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm kiếm đối tác mới để gia tăng thị phần xuất khẩu. Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho hay: Thời gian qua, các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện. Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% (từ 10% xuống 8%) đối với nhiều nhóm hàng hóa đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về doanh thu. Cùng với đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm... cũng đã giúp doanh nghiệp tăng thêm khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tuy còn chậm nhưng về cơ bản, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh những tháng gần đây đã được phục hồi, phát triển.
Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân
Trong 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đó góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023 ước đạt gần 140.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và đạt 70,6% kế hoạch năm. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng khá. Cụ thể, thiết bị điện, điện tử tăng 18,2%; dây điện các loại tăng 19,8%; xi măng và clinker tăng 10,4%; thức ăn chăn nuôi tăng 10,7%; dây điện các loại tăng 19,8%; thiết bị điện, điện tử tăng 18,2%... so với cùng kỳ năm 2022. Đây chính là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi tích cực, tạo bước đệm quan trọng để ngành công nghiệp tăng tốc và tạo sự bứt phá trong những tháng cuối năm 2023.
Chẳng hạn như tại Công ty TNHH May Kim Bình, Cụm công nghiệp Kim Bình (thành phố Phủ Lý), nếu như từ nửa đầu năm 2023 trở về trước, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực dệt may, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh; chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, May Kim Bình đã “giữ chân” được nhiều đối tác quan trọng và đẩy mạnh từ cuối quý II/2023 khi doanh nghiệp tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và những tháng đầu năm 2024. Thời điểm này, công ty vẫn đang tăng tốc sản xuất và liên tục tuyển dụng thêm công nhân lao động để đáp ứng tiến độ các đơn hàng cuối năm.
Ông Sun Jian Jun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Kim Bình cho biết: Số lượng đơn hàng lớn, quy mô nhà xưởng rộng, May Kim Bình vẫn đang mua bổ sung máy móc, thiết bị mới để phục vụ sản xuất. Do quy mô đơn hàng lớn nên hiện tại, để kịp thời gian giao hàng cho đối tác, May Kim Bình phải thuê các đơn vị làm gia công. Với sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu, sản lượng trong những tháng gần đây, May Kim Bình hoàn toàn tin tưởng có thể đạt mục tiêu đề ra trong năm.
Còn tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, những tháng cuối năm cũng được xem là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới cho những tháng đầu năm sau và tạo sự bứt phá trong sản xuất. Điều này được thể hiện rõ thông qua không khí làm việc khẩn trương tại các khu vực sản xuất của Công ty TNHH Kyosha Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Văn III (Duy Tiên) - doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp các loại bản mạch in PWB sử dụng trong các thiết bị điện tử. Được biết, hoạt động sản xuất trong giai đoạn I của Kyosha Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đi vào hoạt động năm 2020, đúng vào thời diểm bùng phát dịch Covid - 19 và sau đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khó khăn kéo dài đến hết quý I/2023 khi thị phần xuất khẩu vẫn có dấu hiệu sụt giảm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, công ty đang duy trì hoạt động ổn định, vận hành hết công suất để kịp tiến độ giao hàng những đơn cuối năm. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho khoảng 230 lao động.
Ông Hiroyuki Mori, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kyosha Việt Nam cho biết: Với đà tăng trưởng tốt như hiện đại, chúng tôi có kế hoạch triển khai giai đoạn II của dự án trong thời gian tới. Kyosha Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là khi giai đoạn II của dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với quy mô tương đương giai đoạn I. Ngoài những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, châu Âu, Kyosha Việt Nam cũng kỳ vọng, khi giai đoạn II của dự án đi vào hoạt động, phát triển sẽ mở rộng tiêu thụ sang các thị trường khác trên thế giới.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu, năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 198.000 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (ước cả năm tăng 12,7% so với năm 2022). Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng cơ quan đầu mối đôn đốc, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3163/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cụm công nghiệp mới thành lập, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp. Phối hợp các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; phối hợp thực hiện nghiêm các cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư…