Doanh nghiệp tăng xuất khẩu trong đại dịch: Tìm cơ hội giữa khó khăn
'Làm xuất khẩu nông sản bao nhiêu năm, giữa đại dịch COVID-19 công ty chúng tôi lại tăng xuất khẩu gấp rưỡi, lợi nhuận thu được cao hơn hẳn' - ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đà Lạt Tự Nhiên chia sẻ. Đây là một dấu ấn lạ giữa những khó khăn chất chồng trong đại dịch.
Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên là doanh nghiệp chuyên chế biến nông sản xuất khẩu, chủ yếu cho thị trường Nhật Bản khá có tiếng tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Chủ lực xuất khẩu là mặt hàng khoai lang Nhật Bản - sweet potato Japan, với sản lượng trung bình 1 ngàn tấn/năm. Riêng năm 2021, khi đại dịch bùng nổ, công ty xuất khẩu được tới 1.500 tấn, tăng 50% so với thời điểm bình thường. Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty phải thốt lên: “Bao nhiêu năm xuất hàng bình bình, riêng năm nay doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng vọt, thu nhập cao hơn hẳn. Nếu không phải là thiếu công nhân, Đà Lạt Tự Nhiên có thể còn xuất khẩu tăng hơn nữa”.
Để có được thành công ấy, có thể nói Đà Lạt Tự Nhiên không phải tình cờ nhặt được món quà mà là sự chuẩn bị, đánh giá thị trường, đánh giá tình hình và đầu tư thích đáng của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Anh cho biết, ngay khi dịch bệnh mới bùng phát năm 2021, công ty đã tính tới chuyện tăng cường hiện đại hóa, giảm chi phí nhân công, tăng sản lượng. Ông Anh chia sẻ: “Chúng tôi xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản yêu cầu yếu tố ổn định, nghĩa là dịch hay không thì giá hàng vẫn phải ổn định, chất lượng phải giữ đúng cam kết. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được thì thị trường Nhật Bản cũng thực sự ổn định cho chính doanh nghiệp”. Vậy là Đà Lạt Tự Nhiên tích cực chuẩn bị đón đầu làn sóng mới, “làn sóng cung ứng hàng hóa giữa dịch bệnh”.
Đầu tiên là doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đầu vào. Sản phẩm khoai lang ngọt xuất sang Nhật chủ yếu là hàng cấp đông, khi rã đông, miếng khoai phải quay trở lại độ mềm, dẻo, ngọt đúng khẩu vị người Nhật. Vì vậy, công ty đã tích cực ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông hộ, cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng, ngừa dịch hại… cho hàng chục nông hộ Lâm Đồng và Đắk Lắk. Riêng công ty cũng canh tác 80 ha để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Giống khoai do doanh nghiệp tự sản xuất từ cây cấy mô, đảm bảo sạch bệnh, chất lượng tốt, độ ngọt cao, đúng yêu cầu của đối tác. Riêng năm 2021, Đà Lạt Tự Nhiên tự trồng và thu mua 6.200 tấn củ khoai lang tươi để phục vụ sản xuất.
Đầu vào đã có, Đà Lạt Tự Nhiên tích cực đổi mới công nghệ, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất. Máy cấp đông siêu tốc, hệ thống sàng rửa tự động, kho lạnh bảo quản, máy đóng gói công suất cao…, công ty đầu tư nhiều tỷ đồng để tự động hóa sản xuất. Những hệ thống tự động hóa không chỉ giúp sản lượng tăng mà còn giảm sức lao động. Đồng thời, công ty số hóa, quản lý nhà máy thông qua hệ thống tự động. Quy trình sản xuất được đánh giá lại, áp dụng công nghệ băng chuyền, đầu vào - đầu ra theo một chiều, vừa đảm bảo thuận lợi trong sản xuất, vừa giảm chi phí sản xuất như điện, nước; đồng thời tăng mức độ an toàn cho sản phẩm. Chị Phạm Thị Hồng Hoa, Tổng quản đốc nhà máy cho biết, do dịch bệnh, doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tuyển dụng công nhân. Vì vậy, đầu tư công nghệ băng chuyền giúp giảm sức lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm rất rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của đối tác Nhật. Cũng vì vậy, đơn hàng tăng nhanh, lượng sản phẩm sản xuất mỗi ngày cũng tăng theo yêu cầu của khách. Đáng mừng hơn, phía đối tác Nhật Bản đặt thêm nhiều mặt hàng mới cho Đà Lạt Tự Nhiên như khoai nướng, khoai tẩm đường, khoai xay; doanh nghiệp đang nghiên cứu quy trình sản xuất, mua máy móc để đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Điều làm lãnh đạo doanh nghiệp Đà Lạt Tự nhiên cũng rất tự hào, đó là công ty rất quan tâm đến người lao động. Ông Nguyễn Văn Anh tâm sự, muốn sản xuất thì phải bảo vệ sức khỏe người lao động. Vì vậy, công nhân công ty có chế độ lương, thưởng ổn định, các chính sách theo quy định của Nhà nước đầy đủ. Với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, bao cơm ăn, nhà trọ, công nhân của doanh nghiệp có thu nhập khá ổn định giữa đại dịch COVID-19. Cũng vì vậy, sức lao động được đảm bảo, công nhân gắn bó với doanh nghiệp, cùng chung sức với doanh nghiệp vượt khó khăn. Nói như ông Nguyễn Văn Anh: “Chính phủ đã động viên doanh nghiệp, khó khăn cũng là cơ hội, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng phát triển. Chúng tôi đã may mắn tìm đúng hướng và tận dụng thành công cơ hội giữa khó khăn”.
Để hỗ trợ Công ty Đà Lạt Tự Nhiên áp dụng máy móc tự động hóa vào quy trình sản xuất, Quỹ Khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã cho doanh nghiệp vay 800 triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị. Vốn vay này thực hiện theo hình thức hỗ trợ không lãi suất, thu hồi sau 5 năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm chi phí đầu tư sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.