Doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường nội địa

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang khai thác tốt thị trường nội địa để mở rộng thị phần và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tập trung khai thác thêm thị trường tiêu thụ nội địa.

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tập trung khai thác thêm thị trường tiêu thụ nội địa.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sức mua tại các thị trường đối tác giảm mạnh, thì thị trường nội địa đang là “điểm tựa” cho nhiều DN lúc này. Việc tập trung khai thác tốt thị trường nội địa là một trong những giải pháp giúp DN có thêm dư địa duy trì sự tăng trưởng dài hạn.

Là đơn vị chuyên sản xuất đá xây dựng, đá mỹ nghệ xuất khẩu, Công ty TNHH Đá ốp lát Quyết Chiến có địa chỉ tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa) đã gặp không ít khó khăn khi 2 năm trở lại đây đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt, khiến doanh thu giảm sút. Vì vậy, công ty đã chuyển hướng sang thị trường nội địa hy vọng giúp DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động.

Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Quyết cho biết: “Thời điểm này thị trường nội địa sẽ là điểm tựa an toàn, tạo thế chủ động cho các DN. Bởi vậy, ngay từ cuối năm 2022, ngoài những đơn hàng xuất khẩu sẵn có, chúng tôi đã sản xuất thêm hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu đá của công ty chiếm đến 85% so với tổng doanh thu, thì hiện nay chúng tôi đã đặt ra mục tiêu năm 2024 tỷ trọng nội địa sẽ tăng trên 35%. Đồng thời, chú trọng hơn về chất lượng cũng như cân đối giá thành để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”.

Tương tự, với ngành hàng may mặc, việc xuất khẩu hàng hóa bị chậm lại vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn tập trung khai thác thị trường nội địa. Hiện công ty đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về thị trường rất kỹ lưỡng để tìm ra được xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Từ đó cơ cấu lại sản xuất, chỉnh sửa mẫu mã cho phù hợp hơn với xu thế hiện đại. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất một cách tối ưu để giảm chi phí hàng hóa. Theo quan điểm của ban lãnh đạo công ty, để phát triển tốt ở thị trường thế giới, trước hết DN cần phát triển bền vững và ổn định tại thị trường nội địa, từ đó mới tạo nên sức bật để vươn xa hơn.

Với dân số khoảng 100 triệu người, quy mô thị trường nội địa đang được đánh giá tương đối lớn và còn rất nhiều dư địa để khai thác. Đặc biệt, xu hướng lựa chọn hàng hóa do DN nội địa sản xuất đang được nhiều người tiêu dùng ủng hộ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN cả nước nói chung, DN của tỉnh Thanh Hóa nói riêng đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN đã chinh phục thành công thị truờng nội địa thì vẫn còn một số DN đang loay hoay tìm chỗ đứng tại chính “sân nhà”. Các rào cản chủ yếu đến từ sự khác biệt thị trường hay DN gặp khó khăn trong việc kết nối đưa sản phẩm của mình vào các cơ sở, hệ thống phân phối bán lẻ; đồng thời DN phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại giá rẻ, thậm chí hàng giả, hàng nhái, cũng như phải cạnh tranh với làn sóng hàng nhập khẩu có phần lấn át hàng nội...

Vì vậy, để các DN khai thác tốt thị trường nội địa, theo Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) Lê Văn Khoa thì các DN cần phải đầu tư hơn nữa vào chất lượng sản phẩm do yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe. Bên cạnh đó, DN cũng cần “lắng nghe” nhu cầu của thị trường, bởi thị hiếu của người tiêu dùng luôn có sự thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các DN cần phải năng động, sáng tạo để đón đầu xu hướng. Về lâu dài, DN nào biết tận dụng và khai thác tốt thị trường nội địa sẽ tạo ra điểm tựa vững chắc, giúp DN phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep-tap-trung-khai-thac-thi-truong-noi-dia-219418.htm