Doanh nghiệp tham gia PPP khoa học công nghệ được nhân đôi chi phí R&D khi khấu trừ thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 180/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Nghị định 180/2025/NĐ-CP quy định nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án hợp tác công tư lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị định Nghị định 180/2025/NĐ-CP đưa ra khung pháp lý hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các hình thức hợp tác bao gồm: theo quy định của Luật PPP; sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết; và các cơ chế hợp tác khác.
ƯU ĐÃI THUẾ, ĐẤT ĐAI TRONG CÁC DỰ ÁN PPP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Theo Nghị định, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế PPP bao gồm: Công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo quy định của pháp luật; hạ tầng số; nền tảng số dùng chung theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.
Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sau:
Thứ nhất, ưu đãi về thuế. Doanh nghiệp được tính 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, ưu đãi về đất đai và đầu tư. Được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.
Thứ ba, về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu. Được công nhận quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định pháp luật và theo Điều 6 của Nghị định này.
Thứ tư, cơ chế chấp nhận rủi ro trong R&D. Được áp dụng cơ chế pháp lý cho phép chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiêu chí rủi ro, quy trình đánh giá và cơ chế bảo vệ người thực hiện được thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Thứ năm, ưu đãi theo hình thức hợp tác. Tổ chức, cá nhân tham gia dự án đầu tư theo Chương II được hưởng ưu đãi theo Điều này và Điều 17 của Nghị định; Hợp tác sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết theo Chương III được hưởng ưu đãi theo Điều này và Điều 21 của Nghị định; Hợp tác theo các hình thức khác tại Chương IV cũng được áp dụng các ưu đãi quy định tại Điều này và pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ sáu, Nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ PHÂN CHIA LỢI NHUẬN TRONG HỢP TÁC CÔNG TƯ
Nghị định quy định cụ thể cách xác định quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với dữ liệu và cách phân chia lợi nhuận trong các dự án hợp tác công tư (PPP) như sau:
Một là, các tài sản phát sinh từ quá trình nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư — như phần mềm, sản phẩm, nền tảng công nghệ và ứng dụng dữ liệu — sẽ do các bên tham gia xác định quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền sử dụng trong hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác. Việc xác định này phải tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ và pháp luật liên quan (trừ những trường hợp đặc biệt nêu tại khoản 2).
Hai là, về quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu, Cơ quan nhà nước là chủ sở hữu dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước trực tiếp tạo lập trong quá trình hoạt động hoặc được thu thập, tạo lập từ số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
Trong khi đó, dữ liệu phát sinh từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với quy định của pháp luật về dữ liệu, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan.
Ba là, lợi nhuận sau thuế thu được từ việc khai thác thương mại các tài sản phát sinh trong quá trình hợp tác công tư sẽ được phân chia theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Việc chia sẻ này cần bảo đảm: Phù hợp với quy định pháp luật; công bằng, minh bạch; tương xứng với mức độ đóng góp của mỗi bên về tài chính, công nghệ và tài nguyên.
TỶ LỆ VỐN NHÀ NƯỚC ĐƯỢC PHÉP LÊN ĐẾN 70%
Đáng chú ý, Nghị định còn quy định các dự án PPP khoa học, công nghệ được áp dụng cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước.
Thứ nhất, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP có thể lên đến 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng,...
Thứ hai, dự án PPP có hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt hàng hoặc tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước quy định tại Điều 22 của Nghị định này. Phần kinh phí này độc lập với phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại khoản 1 Điều này.
Thứ ba, trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, được áp dụng mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu tại khoản này được áp dụng khi dự án PPP đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thư tư, được áp dụng quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại Điều 52 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong trường hợp sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp dự án PPP tạo ra đã thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại khoản 3 điều này trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh nhưng doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học, công nghệ và các chi phí vận hành hợp pháp liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tài sản hình thành từ dự án được chuyển giao cho Nhà nước theo quy định tại mục 3 Chương V Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sản phẩm khoa học, công nghệ hình thành từ dự án được xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án PPP.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Quy định tại các Điều 6, Điều 19 và Điều 22 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2025.