Doanh nghiệp than phiền vì không xuất khẩu được gạo
Gạo nằm tại cảng, tàu mà không thể xuất khẩu được đang là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL.
Hàng ứ đọng tại cảng tức là các doanh nghiệp tiếp tục phải gánh thêm chi phí về kho, bãi. Nơi ít thì vài chục triệu, nơi nhiều lên đến vài trăm triệu đồng mỗi ngày. Chưa dừng lại, gạo để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và không biết khi nào có thể giao hàng cho đối tác, nguy cơ phải đền hợp đồng đang cận kề.
Doanh nghiệp đang khó trăm bề
Hiện nay, khó khăn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL là hàng nằm ngoài cảng; mỗi ngày chi phí phát sinh từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, không biết bao giờ được xuất khẩu để còn đàm phán với đối tác, cũng như cách thức nhận. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn là không biết đối tác có tiếp tục nhận hàng nữa hay không, để có hướng giải quyết.
Khó khăn chồng khó khăn khi những container hàng đã đăng ký được tờ khai phải cân lại, mở container, đưa gạo ra ngoài kiểm tra rồi đóng container lại. Điều này, không chỉ mất thời gian mà doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí phát sinh của việc kiểm hóa hàng.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, nếu tháng 4 này không xuất khẩu được gạo thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là phát sinh chi phi lưu công, lưu kho, bãi, hạt gạo để trong kho lâu ngày kém chất lượng.
Chỉ riêng công ty Việt Hưng hiện có khoảng 5.000 tấn gạo nếp nằm tại cảng Cát Lái, TP. HCM để chờ thông quan; 4 kho của doanh nghiệp đang dự trữ đầy gạo. Theo hợp đồng đã ký kết năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu 120.000 tấn nhưng đến giờ này mới xuất được 25.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn kiến nghị: “Qua tháng 4 nếu còn hạn ngạch xuất khẩu thì nên mở ra trong nhiều tháng. Hiện nay, mở ra một lần/tháng thì vấn đề khai báo hải quan và mọi vấn đề khác ảnh hưởng rất lớn đến cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL cũng như thu nhập của người nông dân”.
Nguy cơ phá sản cận kề nếu không xuất khẩu được gạo
Bà Võ Thị Phỉ, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, trụ sở tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, công ty còn khoảng 1.300 tấn đang nằm tại Cảng Cát Lái, TP. HCM. Trong khi đó gạo tồn kho tại doanh nghiệp hiện giờ cũng trên 20.000 tấn.
Chỉ tính riêng số lượng gạo nằm tại cảng từ tháng 3 đến nay, đội theo bao nhiêu chi phí phát sinh từ tiền bãi, tiền sà lan đến tiền phát sinh ngoài cảng, chưa tính tiền lãi vay mỗi ngày doanh nghiệp cũng mất vài chục triệu, trong khi đó gạo thì lại không xuất khẩu được.
Bà Phỉ cho rằng, việc cho các doanh nghiệp đăng ký tờ khai, mà lại đăng ký lúc “nửa đêm” lại đúng ngày chủ nhật thì thực sự là làm khó doanh nghiệp. Phía Công ty đăng ký được 11 tờ khai nhưng hệ thống báo lỗi rồi cũng không thể đăng ký được.
Mong muốn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là ngành chức năng cần phải rà soát lại các doanh nghiệp có hàng tại cảng, hợp đồng cần phải giao cho đối tác, từ đó có những đề xuất, kiến nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian, doanh nghiệp sẽ bị đối tác phạt và nguy cơ phá sản là điều không tránh khỏi.
“Doanh nghiệp còn tồn đọng hàng nhiều, mà không xuất được thì thiệt hại, bởi vì hàng trong nước không tiêu thụ được, vùng nguyên liệu tiếp tục trồng sẽ bán cho ai, nên doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Hàng dự trữ của Quốc gia chỉ có gạo tẻ thông thường, còn gạo của tôi là các loại gạo thơm. Nếu không xuất được là ảnh hưởng lượng gạo tồn kho. Mỗi ngày chi phí lãi vay mỗi ngày, tiền lương công nhân, tôi tốn hơn 200 triệu/ngày”, bà Phỉ nêu ý kiến.
Không giải pháp, 400.000 tấn gạo khó xuất khẩu hết trong tháng 4
Sở Công thương Cần Thơ cho biết, thành phố có 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo với hợp đồng ký kết phải giao hơn 216.000 tấn gạo; Hiện gạo của doanh nghiệp đang nằm tại cảng với số lượng hơn 25.000 tấn. Vừa qua, địa phương chỉ có 4 doanh nghiệp mở được tờ khai với số lượng cũng không nhiều.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết, khả năng xuất khẩu 400.000 tấn theo hạn ngạch khó có thể thực hiện trong tháng 4 này với lý do hiện nay hàng đang kẹt cứng tại cảng. Từ giờ đến cuối tháng còn hơn chục ngày nữa, tính ra mỗi ngày cần phải thông quan để xuất khẩu hơn 30.000 tấn, rõ ràng đây là công việc rất khó khăn.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho rằng, để giải giải quyết vấn đề 400.000 tấn gạo này, cần phải thành lập một ban và người đứng đầu ban sẽ chỉ đạo, điều tiết một cách hợp lý thì mới xuất khẩu được.
Người đứng đầu ban này sẽ giải quyết cụ thể cho từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nào được đi trước, doanh nghiệp nào đi sau; phải xét một cách công khai, minh bạch. Ngoài ra, quy trình thông quan cũng cần phải đơn giản, thông thoáng để giải phóng lượng gạo của doanh nghiệp đang nằm tại cảng.
“Bây giờ tháo gỡ ách tắc chứ đâu phải trường hợp bình thường, chứ có một trường hợp chỉ có một văn bản hành chính là giải quyết. Bây giờ có muôn ngàn cái khó khăn trong đó, mỗi một ngành đặt ra một văn bản, mỗi văn bản coi như cấp này thực hiện, rồi cấp khác không giải quyết được thì ngồi đó luôn đợi nhau. Xuất khẩu đây tới cuối tháng này cũng không xong”, ông Thoại cho hay.
Vấn đề cấp bách hiện nay là giải phóng hết số lượng gạo đang ứ đọng tại cảng, tàu là ưu tiên số 1. Bởi lượng gạo của các doanh nghiệp đã nằm gần 1 tháng nay, đội theo nhiều chi phí phát sinh, chất lượng gạo giảm và nguy cơ đối diện đền hợp đồng đang cận kề.
Trước những khó khăn này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hải quan thống nhất với nhau để làm sao nhanh chóng giải quyết cho doanh nghiệp thuận lợi trong việc thông quan, tránh ùn ứ, ách tắc gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-than-phien-vi-khong-xuat-khau-duoc-gao-1038898.vov