Doanh nghiệp thép không gỉ lại rối bời
Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thép không gỉ lại rối bời, bởi nhiều lô hàng đầu tiên về cảng sau khi Thông tư 03/2020/TT-BKHCN có hiệu lực phải tuân thủ theo một quy định... tạm ngưng hiệu lực.
.
Lý do khá oái ăm trong bối cảnh chính phủ điện tử đang nổi lên như một điểm sáng thành công với nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ: đó là cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận được công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng, doanh nghiệp lại không thể nói đã nhận được để từ chối yêu cầu phải thực hiện.
Phải nói rõ, Thông tư 03/2020/TT-BKHCN được ban hành ngày 10/8/2020 để ngưng hiệu lực của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN). Thời gian tạm ngưng được xác định từ ngày 23/9/2020 đến hết ngày 31/12/2021.
Quyết định này được đưa ra sau 1 tháng liên tục có nhiều doanh nghiệp trong ngành thép không gỉ đề nghị xem xét lại nội dung của quy định chứa đựng nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn kinh doanh, cản trở doanh nghiệp hoạt động.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Nhiều lô hàng về Việt Nam ngay sau thời điểm Thông tư 03/2020/TT-BKHCN có hiệu lực đã phải thực hiện giám định lô hàng thép không gỉ phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 20:2019/BKH và phải trả phí cho hoạt động trên.
Vấn đề là, căn cứ để thực hiện hoạt động này đang không có hiệu lực, nhưng cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là cơ quan hải quan) vẫn áp dụng và vì vậy, doanh nghiệp buộc phải thực hiện thì mới hoàn tất thủ tục thông quan.
Mọi việc càng rối rắm khi không phải Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nào cũng tiếp nhận đăng ký kiểm tra theo quy định không có hiệu lực.
Các doanh nghiệp lại đang bàn nhau, từng doanh nghiệp hay tất cả cùng ký chung công văn đi hỏi, để mong sớm nhận được hướng dẫn thực hiện sao cho đúng luật.
Tình huống này mới xuất hiện, nên đương nhiên chưa có trong các báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh. Thậm chí, rất có thể, việc tạm ngưng hiệu lực Thông tư 15/2019/TT-BKHCN vẫn là một trong những ví dụ về sự đồng hành, thấu hiểu của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Phải thừa nhận, nỗ lực của các bộ, ngành trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện rất lớn và có nhiều kết quả. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã có trên 3.890 trong tổng số hơn 6.190 điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm được 6.776 trong số 9.926 dòng hàng. 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đã được bãi bỏ, đơn giản hóa. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương trên 6.300 tỷ đồng/năm. Đây là những con số vô cùng lớn và vô cùng ý nghĩa với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn, dòng tiền bất ổn.
Tất nhiên, theo các báo cáo, có tới 1.501 danh mục dòng hàng đang phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, cần tiếp tục rà soát, cải cách. Nghĩa là, công việc mà các bộ, ngành tự thấy cần phải làm vẫn còn lớn.
Song chưa có con số nào về những quy định, những điều kiện kinh doanh dù đã được cắt giảm, đơn giản trên văn băn, nhưng chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế.
Cách đây vài tháng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có một nghiên cứu cho rằng, việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hình thức, nhiều khi chỉ là những sửa chữa câu chữ, đơn giản hóa một phần... nên chưa thực sự tác động tới thực tiễn. Có lẽ, CIEM cần khảo sát thêm, vì với những văn bản có tác động thực tiễn, được doanh nghiệp chờ đợi như trường hợp của Thông tư 03/2020/TT-BKHCN cũng không dễ phát huy ngay hiệu lực.
Doanh nghiệp chỉ thực sự hưởng lợi khi những nỗ lực, quyết tâm đồng hành, thấu hiểu của các bộ, ngành với họ được thực hiện trong thực tế, ở tất cả các cấp, các lĩnh vực...
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thep-khong-gi-lai-roi-boi-d131453.html