Doanh nghiệp thép lợi thế từ chi phí xuất khẩu

Trên thị trường niêm yết, thị giá của doanh nghiệp ngành thép đang giảm dần giá trị giao dịch so với mức đỉnh tại thời điểm giữa năm.

Bốc xếp sản phẩm thép xây dựng tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Bốc xếp sản phẩm thép xây dựng tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Giới phân tích nhận định, diễn biến này hiện phản ánh những bất lợi trong ngắn hạn, còn nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Theo bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020. Năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn.

Bình luận về triển vọng, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thế giới Al Remeithi cho biết: "Năm 2021 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến về nhu cầu thép, dẫn đến những điều chỉnh tăng trong dự báo, ngoại trừ Trung Quốc".

Thực tế này được phản ánh trong báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khi xuất khẩu thép đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Cụ thể, kết quả xuất khẩu thép xây dựng 11 tháng năm 2021 đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ.

Đơn cử, đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, riêng tháng 11/2021, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt hơn 100.000 tấn, gấp 2,3 lần so với năm ngoái. Trong khi đó, Tôn Hòa Phát lần đầu tiên xuất khẩu tới 55.000 tấn/tháng, chủ yếu đến từ nhu cầu với mặt hàng tôn mạ kẽm của thị trường Hoa Kỳ và châu Âu tăng cao.

Hay như báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của các doanh nghiệp thép như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép Nam Kim… cho thấy, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ các loại đều tăng cao. Như Nam Kim, trong cơ cấu doanh thu 9 tháng, doanh thu nội địa đạt 6.670 tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 34,6% tổng doanh thu; doanh thu xuất khẩu 12.740 tỷ đồng, gấp 3,7 lần và tỷ trọng chiếm 65,4% tổng doanh thu.

Thuyết minh báo cáo của doanh nghiệp này cũng chỉ ra rằng, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có giá bán cao như Bắc Mỹ và châu Âu với 70% tổng sản lượng bán ra là động lực chính mang lại kết quả kinh doanh tích cực, trong lúc thị trường tiêu thụ thép nội địa bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dù khả năng sinh lời tại các thị trường châu Âu giảm trong quý IV, nhưng các nhà sản xuất Việt Nam có lợi thế về chi phí trong 3-4 năm tới.

Mặt khác, giá bán tại thị trường nước ngoài tăng cũng hỗ trợ lợi nhuận. Dự báo giá thép có thể tiếp tục được hỗ trợ chi phí sản xuất thép tăng ở châu Âu, khi giá năng lượng đang cao vì tình trạng thiếu khí đốt.

Theo VDSC, năm 2022, các nhà sản xuất của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần ở châu Âu khi các đối thủ cạnh tranh chính phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chi phí sản xuất và chính sách thương mại.

Ước tính chi phí sản xuất ở châu Âu có thể cao hơn từ 150-170 USD/tấn so với tại Việt Nam chủ yếu do chênh lệch giá điện và giá carbon. Hiện tại, giá carbon ở châu Âu khoảng 75 USD/tấn, khiến chi phí sản xuất thép bằng lò cao cao hơn 140 USD/tấn so với ở Việt Nam.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Ấn Độ gặp khó khăn liên quan đến chính sách thương mại khi bị áp mức hạn ngạch cụ thể lần lượt chỉ 170.000 tấn/năm và 210.000 tấn/năm.

Mặt khác, giá thép cuộn cánh nóng (HRC) của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá từ 4,7 -7,3% kể từ tháng 4, do đó, làm suy yếu khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh và nhiều khả năng tiếp tục giảm khi nước này muốn giảm lượng phát thải carbon.

Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam khi thị phần tăng lên từ 1,9% trong 2020 lên mức 11,2% trong 7 tháng năm 2021 và vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.

Để nắm bắt lợi thế chi phí trong xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thép đang dần chủ động về sản xuất, cũng như gia tăng giá trị sản phẩm nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của doanh nghiệp.

Hòa Phát đang đẩy nhanh thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ đầu năm 2022, chủ yếu sản xuất HRC. Với công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, đây là nguồn cung mới cho thị trường xuất khẩu; đồng thời là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, vỏ container…, giúp doanh nghiệp khép kín chuỗi giá trị hệ sinh thái các sản phẩm.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết: "Hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được thép cuộn cán nóng, phải nhập khẩu 100%. Do đó, đây sẽ là lợi thế của doanh nghiệp trong việc tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tránh các dòng thuế bảo hộ đang ngày càng phổ biến hiện nay".

Về phía Nam Kim đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng từ Dae Myung Chemical Co. Ltd toàn bộ 100% vốn điều lệ trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Dae Myung Paper Việt Nam.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, đại diện Ban lãnh đạo Nam Kim cho biết, mục đích mua lại Dae Myung Paper Việt Nam nhằm sử dụng đất để làm kho và xây dựng phân xưởng ống thép theo kế hoạch đã được thông qua năm 2020.

Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết thêm, hiện nay, các nhà máy của Nam Kim đang quá tải, doanh nghiệp đang cơ cấu lại. Nam Kim cần di dời ra kho hàng ra khỏi nhà máy tôn mạ để tập trung sản xuất, đồng thời cũng để tối ưu dịch vụ bán hàng.

Song song với xuất khẩu, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, nhu cầu thép trong nước phục hồi mạnh mẽ sang năm 2022 sẽ cộng hưởng tăng trưởng cho doanh nghiệp thép nội địa nói chung và Hòa Phát nói riêng.

Kỳ vọng của VNDIRECT dựa trên cơ sở quan sát hoạt động xây dựng trở lại bình thường sau đại dịch, tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng nhờ Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Đồng thời, thị trường bất động sản nhà ở đang nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mới bất động sản có thể tăng mạnh trong năm tới khi các nút thắt pháp lý dần được nới lỏng.

Với nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong trung và dài hạn như vậy, mã cổ phiếu ngành thép được các công ty chứng khoán duy trì quan điểm tích cực, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ hoặc quan sát mua, với giá mục tiêu về mức đỉnh tại thời điểm cuối tháng 5.

Theo giới phân tích, cổ phiếu ngành đang chịu áp lực giảm do tác động của diễn biến giá thép trên thế giới và trong nước. Giá thép tại phần lớn thị trường thế giới đang dần quay đầu giảm sau thời gian tăng mạnh.

Cùng lúc, trên thị trường, giá bán thép cũng được các doanh nghiệp nội địa niêm yết giảm do nhu cầu yếu, nhất là khi thị trường bước vào mùa thấp điểm trước dịp Tết Nguyên đán.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu HPG có thị giá 45.800 đồng, khối lượng giao dịch hơn 12,3 triệu cổ phiếu, hệ số P/E 6,46. Cổ phiếu NKG được niêm yết ở mức 37.200 đồng, khối lượng giao dịch hơn 3,8 triệu cổ phiếu, hệ số P/E là 4,04.

Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-thep-loi-the-tu-chi-phi-xuat-khau-20211229090320279.htm