Doanh nghiệp thua lỗ vẫn phát hành trái phiếu vào diện thanh tra

Đây là một trong những yêu cầu Bộ Tài chính đưa ra để VNX và HNX tiến hành lập danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ để tiến hành thanh tra.

Bộ trưởng Tài chính vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Trong chỉ thị, Bộ Tài chính cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp này.

Lên danh sách doanh nghiệp thanh tra trái phiếu

Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Yêu cầu trình Bộ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ngay trong tháng 5 tới.

Với cơ quan quản lý trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương chủ trì, phối hợp trình Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 153/2020 về hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bao gồm tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu .

Mục đích là để quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này, đảm bảo triển khai ngay khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 có hiệu lực thi hành, hoàn thành trong tháng 7.

 Doanh nghiệp có số dư trái phiếu riêng lẻ lớn, lãi suất cao, tình hình tài chính kém sẽ bị thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu. Ảnh: Việt Linh.

Doanh nghiệp có số dư trái phiếu riêng lẻ lớn, lãi suất cao, tình hình tài chính kém sẽ bị thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu. Ảnh: Việt Linh.

Đáng chú ý, để tăng cường quản lý, thanh tra trên thị trường, Bộ trưởng đã có yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) rà soát các doanh nghiệp phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ đến cuối tháng 3. Từ đó, đề xuất danh sách các doanh nghiệp cần kiểm tra, thanh tra.

Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cần thanh, kiểm tra là có khối lượng phát hành và dư nợ lớn; có số đợt phát hành nhiều, liên tục; phát hành lãi suất cao; doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh thua lỗ… Bộ Tài chính yêu cầu VNX và HNX hoàn thành danh sách này trước ngày 3/5.

Bộ cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán chủ trì, phối hợp kiểm tra giám sát tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành lớn, báo cáo Bộ trước ngày 10/5.

Tăng trách nhiệm tổ chức cung cấp dịch vụ

Để tăng cường giám sát hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ trưởng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán chỉ đạo các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chấn chỉnh hoạt động trước ngày 28/4.

Trong đó, các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu phải rà soát chặt chẽ, bảo đảm doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định. Các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của đơn vị mình.

Với các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, Bộ yêu cầu tuân thủ đầy đủ quy định theo Nghị định 153/2020 và hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với doanh nghiệp phát hành. Nhóm tổ chức này phải công bố đầy đủ, chính xác thông tin của doanh nghiệp phát hành, trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư theo phương án phát hành, bản công bố thông tin chào bán trái phiếu đã được phê duyệt…

Đối với các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, cơ quan quản lý yêu cầu rà soát toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ tính đến ngày 15/4 và báo cáo về HNX trước ngày 30/4.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu quý I/2022 của VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý đầu năm nay là gần 45.400 tỷ đồng. Dù đã giảm 85% so với quý trước nhưng giá trị phát hành này vẫn cao hơn 48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 87%, tương đương gần 39.500 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý vừa qua bao gồm Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (5.980 tỷ); Công ty CP Xây dựng Minh Trường Phú (5.900 tỷ); VIB (3.948 tỷ); Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.390 tỷ).

Đáng chú ý, bất động sản vẫn là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu lớn nhất quý vừa qua với hơn 40% tổng giá trị phát hành, tương đương 15.860 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhưng giảm 87% so với quý trước. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất phải kể tới Eagle Side (3.930 tỷ); Công ty CP Hưng Thịnh Investment (2.000 tỷ); Công ty CP Phát triển Bất động sản Đất Việt (1.600 tỷ).

Theo sau là các doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng với 13.720 tỷ đồng trái phiếu phát hành (34,8%) và ngành tài chính - ngân hàng với 7.403 tỷ (18,8%).

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-thua-lo-van-phat-hanh-trai-phieu-vao-dien-thanh-tra-post1312767.html