Doanh nghiệp thực hiện phương án '3 tại chỗ' để phòng dịch Covid-19
Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chọn phương án “3 tại chỗ” (ăn, ở và làm việc tại nhà máy) nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Dây chuyền sản xuất tủ lạnh tại Chi nhánh Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Hưng Yên
Gói ghém tư trang, xách vali vào công ty từ ngày 3.8, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và đồng nghiệp vừa sinh hoạt, vừa sản xuất tại Công ty cổ phần Everpia, đóng trên địa bàn xã Tân Quang (Văn Lâm). Chị kể, ngày đầu thực hiện “3 tại chỗ” ở công ty có một chút lạ lẫm vì chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, với sự chu đáo của Ban lãnh đạo công ty, đã chuẩn bị cho chị và đồng nghiệp đầy đủ nơi ăn, chốn ngủ, đồ dùng sinh hoạt cá nhân nên mọi thứ dần trở thành quen, còn về giờ giấc làm việc từ trước đến nay đã đi vào quy củ, nền nếp. Chị Thu có 2 con, con lớn học lớp 11 còn con bé học lớp 6. Chồng của chị làm công việc tự do nhưng hiện đang phải tạm nghỉ việc vì tình hình dịch bệnh. Đối với chị Thu, việc chuyển vào công ty ăn ở và làm việc giúp chị vẫn bảo đảm thu nhập giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời hạn chế được đi lại sẽ giảm nguy cơ lây dịch bệnh cho gia đình, đồng nghiệp ở công ty. Chị Thu cho biết: “Ở lại công ty vừa an toàn, mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt đều thoải mái. Quan trọng nhất là đóng góp vào nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế nên chẳng ai nề hà gì… Chúng tôi cứ coi như một chuyến đi “pic nic” tại công ty. Rồi dịch bệnh sẽ ổn, gia đình lại sớm quây quần…”.
Anh Nguyễn Ngọc Bá, Trưởng phòng Hành chính, Công ty cổ phần Everpia cho biết: Công ty hiện có 500 công nhân lao động. Để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa an toàn sản xuất, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, ngay từ đầu công ty đã sẵn sàng các phương án đón công nhân vào vừa sinh hoạt vừa làm việc tại công ty. Từ cuối tháng 7, công ty đã hoàn tất công tác chuẩn bị và động viên người lao động. Đến nay, có gần 70 người lao động đã tình nguyện thực hiện “3 tại chỗ”, đa phần có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số người lao động làm việc ở vị trí quan trọng trong công ty. Những công nhân tự nguyện ở lại được công ty hỗ trợ 1 bộ tấm trải tiện ích, chăn, gối; 3 bữa ăn/ngày; các loại đồ dùng sinh hoạt cá nhân; chỗ ở thoáng mát, có máy giặt, điều hòa nhiệt độ, ti vi, mạng wifi, khu tập luyện thể dục, thể thao... Tất cả mọi người đều thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch và an toàn sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát Hưng Yên, đóng trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) đã bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại chỗ cho 75 lao động. Đây là những cán bộ, công nhân viên thường trú tại thành phố Hà Nội. Thời gian bắt đầu từ khi thành phố Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (từ 6 giờ ngày 24.7) cho đến khi Hà Nội dỡ bỏ giãn cách xã hội và UBND tỉnh Hưng Yên có thông báo mới. Về chế độ cho người lao động, doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, ngoài ra hỗ trợ thêm 50 nghìn đồng/người/ngày. Theo đại diện chi nhánh công ty, mặc dù chi phí tăng thêm nhưng doanh nghiệp vẫn chấp hành nghiêm để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và ổn định sản xuất.
Phòng nghỉ nội trú "3 cùng" tại Công ty cổ phần Everpia
Công ty TNHH Hamaden Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II) là doanh nghiệp của Nhật Bản, có gần 2 nghìn lao động. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Cụ thể, công ty sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, luôn sẵn sàng họp bàn để đưa ra phương hướng, giải pháp hiệu quả; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới người lao động, thực hiện nghiêm túc, triệt để khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Bố trí giữ khoảng cách an toàn ở nơi làm việc, trong các khu giải lao, trên xe đưa đón công nhân; lắp đặt vách ngăn bằng kính tại các khu vực làm việc, ăn ca; thực hiện phỏng vấn và đào tạo lao động online… để hạn chế tiếp xúc. Đặc biệt, công ty đã bố trí được khoảng 500 chỗ ở nội trú tại công ty để phòng tình huống bị phong tỏa, công ty vẫn có thể tiến hành sản xuất và người lao động có việc làm với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Cụ thể, người lao động nội trú tại công ty được hưởng 200% lương so với ngày bình thường, trợ cấp một ngày 200 nghìn đồng và 4 bữa ăn. Cùng với đó, công ty bố trí khu ở nội trú đầy đủ tiện nghi như: Điều hòa, wifi, máy giặt, máy bán hàng tự động… cộng thêm các đồ dùng thiết yếu hàng ngày để người lao động có thể yên tâm làm việc. Là người được trải nghiệm 2 tuần nội trú tại công ty, công nhân Nguyễn Thị Luyến cho biết: “Tôi cảm thấy rất yên tâm khi được làm việc trong môi trường này. Tất cả điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại công ty thoải mái như ở nhà”.
Theo tổng hợp chưa đầy đủ của các địa phương, ngành chức năng, đến hết tháng 7, đã có gần 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” với số lượng hơn 4 nghìn lao động, trong đó, trên địa bàn huyện Văn Lâm có 18 doanh nghiệp tổ chức cho 458 công nhân lao động ăn, ở và làm việc tại nhà máy. Các doanh nghiệp ở thị xã Mỹ Hào đã xây dựng kế hoạch bố trí theo phương án “3 tại chỗ” cho 900 – 1.300 lao động. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án cho 2,4 nghìn người lao động ăn, ở tại doanh nghiệp để sản xuất nếu xảy ra dịch bệnh tại doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong các nhà máy trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp tốt để hạn chế dịch bệnh lây từ bên ngoài vào, từ đó giúp doanh nghiệp bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt quy định của chính quyền địa phương và khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp.