Doanh nghiệp Thụy Điển muốn rót tỷ USD vào Việt Nam
Tập đoàn Syre (Thụy Điển) đang xúc tiến đầu tư Dự án Sản xuất sợi, vải tái chế, công suất 250.000 tấn/năm. Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét kỹ các khía cạnh của dự án để có thể cấp phép.

Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sợi, vải phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ
Mong muốn đầu tư sản xuất sợi, vải tái chế
Giữa tuần qua, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương về dự án sản xuất vải công nghệ cao mà tập đoàn này đang có ý định đầu tư tại tỉnh Bình Định.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Syre muốn đầu tư Dự án Tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ USD.
“Chúng tôi muốn đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định, nhà máy sản xuất sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định của Việt Nam”, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre nói.
Lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực sợi, vải tái chế, vốn đang là xu hướng tiêu dùng của dệt may toàn cầu, song lãnh đạo doanh nghiệp này hiểu, đây là lĩnh vực đặc thù, quy trình chuẩn bị đầu tư, xin giấy phép cần tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ.
Nếu Tập đoàn Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước, Bộ Công thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Ông Tim King cho hay, Tập đoàn Syre rất cần được Bộ Công thương và các ngành chức năng hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai dự án tái chế rác thải dệt may, hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tái chế và đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ kết nối với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi.
Syre vốn là công ty con của Tập đoàn H&M và Công ty Đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải phế liệu dệt may. Trọng tâm của doanh nghiệp là tái chế chất thải polyester thành nguyên liệu mới cho ngành may mặc, ô tô và nội thất.
Mong muốn đón được dự án này của nhà đầu tư Thụy Điển vào địa phương, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, dự án của Tập đoàn Syre có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào nền kinh tế xanh. Do đó, ông Tuấn đề nghị Bộ Công thương xem xét, có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án.
Cơ quan chức năng cân nhắc
Sản xuất hàng thời trang bền vững, có tính sử dụng lâu dài, ít gây ô nhiễm đang là xu hướng trên toàn cầu. Hiện, các quốc gia thuộc EU đã đưa ra quy định về hàng dệt may nhập khẩu cần đáp ứng quy định về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế sợi và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc trong sản phẩm.
Chính vì vậy, một trong những điều kiện của nhà đầu tư khi mở nhà máy sản xuất vải, sợi tái chế tại Việt Nam là phải có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Với trường hợp của Syre, doanh nghiệp này nói sẽ ưu tiên thu gom nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, việc thu gom quần áo đã qua sử dụng tại Việt Nam, theo Syre, vẫn chưa có cơ chế triển khai rõ ràng.
Hiện, quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) tại Việt Nam thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Với mặt hàng vải vụn (mã HS 6310), đây cũng là phế liệu trong quá trình sản xuất và việc nhập khẩu phải thực hiện theo Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất bền vững. Tuy nhiên, với dự án đặc thù này cần có nghị quyết đặc biệt của Chính phủ để có cơ sở thực hiện.
“Theo quy trình, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công thương sẽ sửa Thông tư số 08/2023/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đây là đặc thù và là thí điểm, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nguyên vật liệu đã qua sử dụng”, ông Hoài giải thích.
Để thúc đẩy thủ tục đầu tư cho dự án này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các vấn đề về nguyên liệu, công nghệ sử dụng cho dự án cũng được Việt Nam “soi” rất kỹ. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Trong quá trình sản xuất, các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng việc xử lý nước thải và rác thải, đồng thời phải chứng minh được hiệu quả về kinh tế - xã hội của dự án”.
Cũng cần nói thêm, những năm gần đây, nhiều địa phương đã thẳng thừng từ chối dự án đầu tư sản xuất dệt nhuộm, vải do lo ngại ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Đại diện một doanh nghiệp dệt may cho hay, đầu tư nhà máy sản xuất sợi, vải tái chế là tốt, nhưng công nghệ tái chế thế nào, quy trình xử lý nước thải, nguồn nước để thực hiện tái chế ra sao là một vấn đề lớn. Bởi để tái chế quần áo đã qua sử dụng cần một lượng lớn nước và chất tẩy rửa để giặt, hóa chất để tẩy trắng quần áo cũ, sợi vải. Do đó, cần xem xét lợi ích kinh tế và rủi ro mang lại.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-thuy-dien-muon-rot-ty-usd-vao-viet-nam-d248666.html