Doanh nghiệp thủy sản đối mặt ba nỗi lo

Chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Mỹ về việc áp thuế, lo ngại về chi phí logistics, cạnh tranh với hàng Trung Quốc là ba mối lo lớn của ngành thủy sản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chạy đua để tận dụng 'khoảng lặng' 90 ngày thuế quan của Mỹ.

3 mối lo lớn

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh Mỹ đang xem xét áp thuế đối ứng mới, Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào thị trường này. Ngoại trừ Trung Quốc, mức thuế mà Mỹ đang áp dụng với các nước còn lại dao động từ 10–30%. Thậm chí, những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn chỉ bị áp thuế từ 10–20%. Tuy nhiên, mức thuế Mỹ dự kiến dành cho Việt Nam lại lên tới 46% – một con số rất cao và đang ở mức "treo".

Sau quyết định điều chỉnh chính sách thuế từ ngày 10/4 của Tổng thống Donald Trump, mặt bằng chung mức thuế mới được áp là 10% trong vòng 3 tháng. Đây là cơ hội ngắn hạn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp thủy sản đã nhanh chóng tận dụng thời điểm này, duy trì đơn hàng và thúc đẩy xuất khẩu, từ đó góp phần giữ ổn định giá thu mua nguyên liệu trong nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Từ nay đến thời điểm then chốt là ngày 9/7, VASEP và các doanh nghiệp trong ngành đánh giá cao nỗ lực cập nhật chính sách từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ. VASEP cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành để hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán và ứng phó với chính sách thuế của Mỹ.

Dù vậy, theo ông Nam, doanh nghiệp ngành thủy sản đang đối mặt với ba nỗi lo lớn.

Thứ nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Mỹ. Hiện chưa có hướng dẫn chính thức từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) về cách áp dụng thuế sau sắc lệnh giảm thuế xuống 10%. Trước đây, CBP đưa ra hướng dẫn rất nhanh sau sắc lệnh đầu tiên, nhưng lần này lại chưa có. Doanh nghiệp đang tham khảo cách tính dựa trên ngày ETA – tức thời điểm hàng đến cảng Mỹ – và cố gắng xuất hàng càng sớm càng tốt. Tại Bờ Tây, các lô hàng cần đến nơi trước ngày 5/6 để kịp thời gian thông quan trong giai đoạn ưu đãi.

Thứ hai, cạnh tranh từ hàng Trung Quốc. Nếu Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, lượng hàng Trung Quốc không thể xuất sang Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác – trong đó có những thị trường Việt Nam cũng đang cạnh tranh. Điều này sẽ gây áp lực lớn vì hàng Trung Quốc luôn có giá rẻ và cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc có thể giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam bởi hiện Trung Quốc là thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Mỹ đứng thứ hai.

Thứ ba, lo ngại về chi phí logistics. Từ tháng 10 tới, Mỹ có thể áp dụng chính sách tính phụ phí 50 USD/tấn đối với hàng hóa vận chuyển bằng tàu đóng tại Trung Quốc – nơi có nhiều hãng tàu lớn như COSCO, OOCL chiếm thị phần vận tải biển lớn. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí logistics cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nếu hàng hóa đi qua các hãng tàu này.

Từ lo ngại đến chủ động

Ở góc độ chủ động của hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên, ông Nam cho biết, VASEP đã chuẩn bị một số đề xuất gửi đến các bộ, ngành trong nước, vì nếu chỉ có doanh nghiệp hoặc hiệp hội tự mình đối phó thì sẽ không đủ lực. Việc đa dạng hóa thị trường là hướng đi quan trọng, nhưng lúc này, sự hỗ trợ chính sách trong nước cần được đẩy mạnh hơn.

Một ví dụ về bất cập trong chính sách nội địa được ông Nam nhấn mạnh là Nghị định 37 – nhằm tuân thủ các quy định chống khai thác bất hợp pháp (IUU) – lại đặt ra yêu cầu không thực tế: chỉ cho phép khai thác cá ngừ vằn có chiều dài từ 50 cm trở lên. Trong khi đó, không có quốc gia hay nghiên cứu khoa học nào quy định như vậy. Quy định này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang châu Âu, khi cùng thời điểm năm ngoái đã xuất hơn 8.000 tấn, thì năm nay mới chỉ đạt 2.600 tấn.

Do đó, Tổng thư ký VASEP bày tỏ mong muốn Chính phủ, các cơ quan thực thi chính sách sớm xem xét, điều chỉnh các quy định chưa phù hợp trong Nghị định 37 để tháo gỡ các vướng mắc đang đè nặng lên doanh nghiệp và ngư dân. Doanh nghiệp rất cần một hành lang pháp lý ổn định, sát thực tế để yên tâm đầu tư và đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/doanh-nghiep-thuy-san-doi-mat-ba-noi-lo/20250501035119642