Những bài toán hóc búa nhất với kinh tế Trung Quốc không chỉ dừng ở thuế quan Mỹ
Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 với giấc mơ về một Trung Quốc hồi sinh. Giấc mơ đó giờ đây đang trải qua thử thách lớn, không chỉ bởi thuế quan của Mỹ.

Người tiêu dùng mua sắm tại chợ ở Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh phải chịu mức thuế cao 145% từ Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định rõ rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước. Trong một phát biểu vào tháng 4, nhà lãnh đạo Trung Quốc quả quyết: “Suốt hơn 70 năm qua, Trung Quốc luôn dựa vào tự lực cánh sinh và chăm chỉ để phát triển... Trung Quốc chưa từng trông chờ vào bất kỳ sự ban ơn nào và không sợ hãi trước các đàn áp phi lý”.
Theo BBC (Anh), sự tự tin của ông Tập Cận Bình một phần xuất phát từ thực tế Trung Quốc hiện ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu sang Mỹ so với cách đây 10 năm. Tuy nhiên, áp lực thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khoét sâu những điểm nhạy cảm vốn đã tồn tại trong nền kinh tế Trung Quốc với khủng hoảng bất động sản, bất ổn thị trường việc làm và dân số già hóa.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thuế quan của Tổng thống Trump có làm suy giảm giấc mơ kinh tế của Trung Quốc, hay Chủ tịch Tập Cận Bình có thể biến những trở ngại hiện tại thành cơ hội?
Khó khăn trong nước

Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Về lý thuyết, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân là thị trường nội địa khổng lồ. Tuy nhiên, tồn tại vấn đề gây khó, đó là người dân Trung Quốc không nhiệt tình chi tiêu trong bối cảnh triển vọng kinh tế quốc gia vẫn còn bấp bênh.
Thực trạng này không bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và bén rễ từ “cơn địa chấn” thị trường bất động sản. Nhiều gia đình Trung Quốc đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời họ vào ngôi nhà, nhưng rồi 5 năm qua, giá nhà lao dốc.
Các doanh nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục thi công ngay cả khi thị trường bất động sản sụp đổ. Có nhiều ý kiến rằng toàn bộ dân số Trung Quốc sẽ không lấp đầy được tất cả các căn hộ trống trên khắp cả nước. Hai năm trước, nguyên Phó cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - ông He Keng ước tính "cực đoan nhất" là nước này có đủ nhà trống cho 3 tỷ người.
Hầu hết các tỉnh thành của Trung Quốc đều có dự án bỏ hoang, chúng là các dãy nhà bê tông cao ngất được gọi là "thành phố ma". Nhiều dự án đã hoàn thiện với khu vườn tươi xanh, khung cửa sổ gắn rèm cửa… nhưng vào ban đêm, chỉ một số căn hộ có ánh đèn, còn lại là bóng đen cho thấy chúng đang bị bỏ trống.
Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào cảnh không có đủ người mua để phù hợp với mức độ xây dựng. Cách đây 5 năm, Trung Quốc đã hành động để hạn chế số tiền mà các nhà phát triển nhà ở có thể vay. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của hãng thông tấn Reuters (Anh) vào tháng 2, tình trạng giá nhà giảm và người tiêu dùng mất niềm tin khiến các nhà phân tích dự đoán giá có thể hạ thêm 2,5% trong năm nay.

Người cao tuổi học khiêu vũ tại một công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Giá nhà không phải là nỗi bất an duy nhất của các gia đình trung lưu Trung Quốc. Họ còn lo lắng về tương lai liệu chính phủ có thể trả lương hưu cho họ hay không. Trong thập niên tới, khoảng 300 triệu người, hiện đang ở độ tuổi 50 đến 60, sẽ rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc. Theo ước tính năm 2019 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí của chính phủ có thể cạn kiệt vào năm 2035.
Ngoài ra, còn có nỗi lo về việc liệu con trai, con gái và cháu của họ có thể kiếm được việc làm hay không vì hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải vật lộn trong thị trường lao động. Theo số liệu chính thức được công bố vào tháng 8/2023, hơn 1/5 người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở các khu vực thành thị Trung Quốc đang thất nghiệp.
Thêm vào đó, trong bối cảnh xung đột thương mại vẫn “nóng”, Trung Quốc không thể chỉ đơn giản chuyển từ bán hàng cho Mỹ sang bán cho người người tiêu dùng địa phương. Giáo sư Nie Huihua tại Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích: “Trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều áp lực đè nén, khó có thể kỳ vọng chi tiêu nội địa bật tăng trong ngắn hạn. Việc thay thế xuất khẩu bằng tiêu dùng nội địa là một quá trình dài”.
Giáo sư Zhao Minghao tại Đại học Phúc Đán lập luận: “Trung Quốc không kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump… Khó khăn thực sự nằm ở việc điều chỉnh chính sách trong nước, chẳng hạn như kích cầu tiêu dùng nội địa”.
Để vực dậy nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã công bố hàng tỷ USD hỗ trợ chăm sóc trẻ em, tăng lương và cải thiện chế độ nghỉ phép có lương. Ngoài ra, họ cũng triển khai một chương trình trị giá 41 tỷ USD nhằm giảm giá các mặt hàng như thiết bị điện tử tiêu dùng và xe điện (EV), để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, giáo sư Zhang Jun - Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Phúc Đán, cho rằng cách tiếp cận này là “không bền vững”. Ông bày tỏ: “Chúng ta cần một cơ chế dài hạn. Cần bắt đầu từ việc tăng thu nhập khả dụng của người dân”.
Tìm cơ trong nguy

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang cố gắng dùng cuộc khủng hoảng hiện tại làm chất xúc tác để thay đổi sâu hơn và tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới cho Trung Quốc. Giáo sư Zhang Jun cho biết: "Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chủ động điều chỉnh điểm đến của hàng xuất khẩu để vượt qua khó khăn. Các nhà xuất khẩu đang chờ đợi và khám phá khách hàng mới".
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, các công ty cho Trung Quốc tìm kiếm khách hàng ở địa điểm khác ngoài Mỹ. Trung Quốc mở rộng quan hệ trên khắp Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi.
Trung Quốc đang gặt hái “trái ngọt” từ sự đa dạng hóa đó. Theo Viện Lowy, hơn 145 quốc gia có lượng giao thương với Trung Quốc nhiều hơn so với với Mỹ. Trong khi đó, vào năm 2001, chỉ có 30 quốc gia chọn Bắc Kinh làm đối tác thương mại hàng đầu thay vì Washington.
Trong bối cảnh Tổng thống Trump nhắm “mũi tên thuế quan” đến cả nhiều đồng minh, một số nhà quan sát tin rằng ông Tập Cận Bình có thể tận dụng thời điểm để khắc họa hình ảnh Trung Quốc là đối tác thương mại ổn định.
Nhưng Trung Quốc sẽ phải hành động thận trọng bởi một quốc gia lo ngại rằng nhiều sản phẩm ban đầu được sản xuất để xuất khẩu đến Mỹ nhưng do rào cản thuế quan có thể thay đổi đích đến và tràn vào thị trường của họ, gây tổn hại cho nhà sản xuất địa phương. Theo Giáo sư Huihua, khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sang Mỹ, nếu những mặt hàng xuất khẩu này tràn vào thị trường hoặc quốc gia khác trong khu vực, điều đó có thể dẫn đến tình trạng bán phá giá và cạnh tranh khốc liệt, kéo theo những căng thẳng thương mại mới.
Ngay cả với nhiều khó khăn chồng chất, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang đặt cược rằng Bắc Kinh sẽ có thể chịu đựng được nỗi đau kinh tế lâu hơn Washington trong cuộc chiến thương mại. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện lập trường có phần mềm mỏng hơn về thuế quan đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế cao 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không về mức bằng 0”.
Nói chung, cuộc chiến thương mại hiện nay khiến Trung Quốc phải nhìn lại và đối diện với điểm yếu của nước này. Và việc khắc phục được chúng hay không phụ thuộc vào các quyết sách của Bắc Kinh.