Doanh nghiệp thủy sản liệu có thể 'bứt phá' trong năm 2024?
Năm 2023 được đánh giá là một năm kém lạc quan của các 'ông lớn' ngành thủy sản. Sang năm 2024, việc phục hồi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng khi có các dự báo tích cực về thị trường xuất khẩu lớn.
Sau năm 2022 ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội, thậm chí kỷ lục như Vĩnh Hoàn, Sao Ta, năm 2023 các ông lớn ngành thủy sản đành “ngậm ngùi” trước lợi nhuận kém lạc quan khi mà các thị trường xuất khẩu thủy sản chính đều sụt giảm nhu cầu.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 đạt 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2022. Đáng chú ý, các thị trường trọng điểm đều ghi nhận giảm sâu, bao gồm Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất giảm 26%, còn đạt 1,55 tỷ USD; Nhật Bản giảm 11%, còn 1,51 tỷ USD; Trung Quốc đạt 1,33 tỷ USD, tương ứng giảm 14%; Hàn Quốc ở mức 790 triệu USD, giảm 16%...
Năm 2022, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) – doanh nghiệp lớn ngành tôm ghi nhận kết quả doanh thu thuần hợp nhất cao nhất trong vòng 26 năm với 5.701 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cũng đạt 328 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2021). Với đà thắng lớn này, Sao Ta đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% so với kết quả năm 2022 và doanh số và lợi nhuận.
Tuy nhiên, trước biến động của thị trường, đặc biệt là các thị trường chính của FMC là Nhật Bản, Mỹ… giảm nhu cầu thủy sản, kết quả doanh thu thuần của FMC năm 2023 chỉ đạt 5.087 tỷ đồng (giảm 10,7% so với năm trước) và lãi trước thuế đạt 304 tỷ đồng (giảm 7,2%).
Tương tự, sau 7 năm có các quý lãi liên tiếp, đến quý 1/2023 CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã có quý lỗ đầu tiên với -98 tỷ đồng. Tình hình lỗ của doanh nghiệp tiếp tục diễn ra trong quý 3 cùng năm với -26 tỷ đồng. Trong khi đó quý 2 và 4 đều ghi nhận mức giảm sâu về lợi nhuận với lần lượt -93% và -96% so với cùng kỳ.
Kết quả các quý trên đã kéo lãi ròng hợp nhất cả năm 2023 của MPC chỉ còn đạt -105 tỷ đồng, là năm có mức lãi ròng thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Trong khi đó, sau hai năm lãi nghìn tỷ đồng, ông lớn ngành cá tra - CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) chỉ còn đạt 949 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2023. Sự sụt giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn diễn ra trong bối cảnh doanh thu tại các thị trường chính của VHC đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường chủ lực đã ghi nhận giảm 10 tháng liên tiếp trong năm 2023 và đều giảm trên 2 con số. Thị trường nội địa, Trung Quốc và châu Âu cũng không ghi nhận kết quả kém lạc quan khi cùng có 8/11 tháng giảm doanh thu so với cùng kỳ năm 2022.
Một doanh nghiệp cá tra khác là CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) cũng ghi nhận giảm sâu lãi trước thuế với -91%, còn 67,6 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) lại chỉ hoàn thành 47% kế hoạch năm về lãi ròng sau khi chỉ mang về 87,7 tỷ đồng trong năm 2023.
Sự “bứt phá” liệu có diễn ra trong năm 2024?
Theo VASEP, năm 2024 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Đối với mặt hàng tôm, Việt Nam tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8%, lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
Đối với mặt hàng cá tra, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
Báo cáo của VNDireact hồi đầu tháng 12/2023 chỉ ra rằng, thị trường chính của Vĩnh Hoàn là Mỹ sẽ khó phục hồi trở lại cho đến nửa cuối năm 2024, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và nhu cầu tăng cao cho dịp lễ cuối năm 2024. Việc VHC tiếp tục hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0% trong POR 19 cũng sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của VHC trong năm 2024.
Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng xuất khẩu sang đất nước tỷ dân này sẽ phục hồi vào cuối năm 2024, cùng với đó là việc VHC có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc trong năm nay.
Trước những dự báo trên, các chuyên gia VNDirect dự phóng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự phóng đạt 12.216 tỷ đồng và 1.304 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 37% so với kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 của VHC.
Đối với các doanh nghiệp ngành tôm, báo cáo công bố trong tháng 12/2023 của VCBS cho rằng, với việc Mỹ và Trung Quốc có thể phục hồi nhu cầu về tôm trong nửa cuối năm 2024, Sao Ta có thể tăng trưởng doanh thu trong năm 2024. Do đó, dự báo doanh thu thuần năm 2024 của Sao Ta có thể đạt 6.259 tỷ đồng, tăng 23% so với kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 340 tỷ đồng, tăng 283%.