Doanh nghiệp tiêu dùng hưởng lợi từ chính sách kích cầu
Trong bối cảnh nền kinh tế cần những động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy sức mua của người dân và hỗ trợ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ hưởng lợi và nắm bắt xu thế để tăng tốc trong năm nay.
Kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng
Tính đến cuối tháng 2/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2025 đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu hướng tiêu dùng tích cực. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn, đạt 878,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng.

Người tiêu dùng mua sắm nước giặt sả Chante. Ảnh: Masan
Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8%, nhằm giảm áp lực chi tiêu, khuyến khích người dân mua sắm nhiều hơn. Việc giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước phát triển. Đồng thời, chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 giúp cải thiện thu nhập và sức mua, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau giai đoạn nhiều biến động.
Bên cạnh đó, ngành du lịch - một trong những động lực thúc đẩy tiêu dùng - cũng ghi nhận sự khởi sắc mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25/1-2/2/2025). Theo Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao trong tháng đầu năm 2025.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, năm 2025, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mục tiêu cao, thể hiện quyết tâm lớn đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nhờ các chính sách kích cầu này, ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ sẽ được hưởng lợi đáng kể. Masan Consumer (Mã chứng khoán: MCH), doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với danh mục sản phẩm đa dạng từ thực phẩm, gia vị đến đồ uống, chăm sóc cá nhân cũng không nằm ngoài xu hướng tích cực này.
Masan Consumer tăng tốc đáp ứng nhu cầu thị trường
Đón đầu xu hướng thị trường, Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, từ 10% đến 15%, tương đương 33.500 - 35.500 tỷ đồng trong năm 2025. Chiến lược này được thúc đẩy bởi ba trụ cột chính. Trong đó “Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng” để phát triển nền tảng "Retail Supreme" giúp tối ưu hóa lập kế hoạch cung và cầu, sản xuất và phân phối, từ đó cải thiện năng suất bán hàng và hiệu quả tiếp thị.
Ở trụ cột thứ hai là “Chiến lược cao cấp hóa” với định vị sản phẩm Gia vị và Thực phẩm tiện lợi ở phân khúc cao hơn với loạt sản phẩm sáng tạo như "Lẩu Tự Sôi", "Cơm Tự Chín" và "Lẩu Cầm Tay", đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhanh và tiện lợi.
Cuối cùng là “Mở rộng danh mục Đồ uống và Chăm sóc gia đình & cá nhân” với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hai thương hiệu WakeUp247, Tea365 trong phân khúc trà uống liền (RTD), đồng thời tập trung phát triển sản phẩm chăm sóc cá nhân với thương hiệu Chante và Net.

Các sản phẩm của Masan Consumer. Ảnh: Masan
Bên cạnh đó, chiến lược Go Global tiếp tục là ưu tiên với mục tiêu tăng trưởng 20% trở lên. Masan Consumer tập trung khai phá các thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, mở rộng phân phối gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan ra thế giới.
Masan Consumer sẽ IPO trong năm 2025
Một trong những dấu ấn quan trọng của Masan Consumer trong năm 2025 là tiến trình IPO, chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 2, đại diện Masan (Công ty mẹ của Masan Consumer) khẳng định rằng việc chuyển sàn sẽ giúp mở khóa nhiều giá trị cho cổ đông, nâng cao tính thanh khoản và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Theo đó, Masan Consumer đang đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị để IPO trong năm 2025, tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm tối đa hóa giá trị cho nhà đầu tư, đồng thời củng cố vị thế của Masan trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam và thế giới.

Khách hàng mua sắm tại hệ thống cửa hàng siêu thị của WinCommerce. Ảnh: Masan
Đáng chú ý, đầu năm nay, cổ đông của Masan Consumer đã nhất trí thông qua kế hoạch hủy giao dịch cổ phiếu MCH trên sàn UPCoM và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Đây là bước đi chiến lược không chỉ giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu MCH, mà còn tạo cơ hội để Masan Consumer tiếp cận sâu hơn với các nhà đầu tư tổ chức lớn trong và ngoài nước, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng bứt phá trong những năm tới.
Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thị trường tiêu dùng. Bằng chiến lược cao cấp hóa, mở rộng danh mục sản phẩm, khai thác thị trường quốc tế và tiến hành IPO, Masan Consumer sẵn sàng cho những bước tiến đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế. Đây sẽ là một năm bản lề, mở ra những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ cho Masan Consumer mà còn cho toàn bộ hệ sinh thái Masan Group.