Doanh nghiệp tìm hiểu kỹ chính sách để tăng xuất khẩu vào Singapore

Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin, cập nhật thay đổi chính sách để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Singapore.

Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin, cập nhật thay đổi chính sách để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, hiện nay Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) đã sửa đổi Mẫu khai báo cho đối tượng đủ tiêu chuẩn (QP) về việc kê khai xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp Singapore. Mẫu tờ khai sửa đổi này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2024 (tất cả các nội dung trong tờ khai đều là bắt buộc).

Do đó, các nhà xuất khẩu thực phẩm vào Singapore phải hiểu rõ các yêu cầu hiện hành của Cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia nhập khẩu và đảm bảo rằng các lô hàng xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của quốc gia/khu vực nhập khẩu.

Ngoài ra, ngày 16/2/2024 Bộ Tài chính Singapore đã đề xuất dự luật Doanh nghiệp đa quốc gia (Thuế tối thiểu) và Luật bổ sung để thực hiện Thuế bổ sung trong nước (DTT) và Quy tắc thu nhập bao gồm (IIR) thuộc Trụ cột số 2 của sáng kiến về Khấu hao cơ sở và Chuyển lợi nhuận 2.0 (BEPS). Dự luật này đang được lấy ý kiến phản hồi của công chúng từ ngày 10/6 đến ngày 5/7/2024.

Đề xuất dự luật và Luật bổ sung đưa ra những thay đổi quan trọng để áp dụng cho các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) trong phạm vi hoạt động. MNE được hiểu là những tập đoàn có doanh thu tập đoàn hàng năm từ 750 triệu Euro trở lên, ít nhất hai trong bốn năm tài chính trước đó. Những thay đổi được đề xuất sẽ có hiệu lực cho các năm tài chính bắt đầu vào hoặc sau ngày 1/1/2025.

Một số nội dung chính của dự luật quan trọng này là áp dụng Thuế bổ sung trong nước cho các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia có pháp nhân đang hoạt động tại Singapore mà chịu thuế thấp, để đảm bảo rằng mức thuế suất hiệu quả áp dụng đối với các đơn vị cấu thành của MNE cho pháp nhân đặt tại Singapore ít nhất là 15%.

Cùng đó, áp dụng Quy tắc thu nhập, được gọi là Thuế bổ sung doanh nghiệp đa quốc gia (MTT) trong dự thảo Luật, cho các tập đoàn MNE có công ty mẹ ở Singapore, có các pháp nhân của họ đang hoạt động bên ngoài Singapore mà đang hưởng thuế thấp. Điều này đảm bảo rằng mức thuế thực tế áp dụng đối với các đơn vị cấu thành của tập đoàn MNE nằm ngoài Singapore ít nhất là 15%.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, nếu được thông qua, Dự luật Doanh nghiệp Đa quốc gia (Thuế tối thiểu) sẽ được hiểu là một với Đạo luật thuế thu nhập 1947 của Singapore (ITA). Một số điều khoản nhất định, chẳng hạn như quản lý, thực thi và kháng cáo được áp dụng theo ITA cũng sẽ áp dụng cho Thuế bổ sung trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia.

Đây là một trong những động thái chính sách mới về thuế tối thiểu toàn cầu tại Singapore. Các chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Singapore và đầu tư từ Singapore ra nước ngoài, do vậy Thương vụ đặc biệt lưu ý, các cơ quan quản lý nhà nước và các tập đoàn trong nước nên theo dõi và cập nhật thường xuyên để có điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Chế biến sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Trần Hân. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Chế biến sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Trần Hân. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Tại buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam - ông Jaya Ratnam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Singapore là đối tác quan tác có tầm quan trọng đặc biệt của Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua liên tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, toàn diện và Singapore hiện đang là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, Singapore là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, do đó mong muốn Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực, đặc biệt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Liên quan đến vấn đề hợp tác đào tạo, phát triển kỹ năng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Singapore đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng sạch. Vì vậy, Singapore là đối tác quan trọng để đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Chia sẻ thêm về thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, tình hình thương mại trong tháng 5/2024 của Singapore với thế giới tiếp tục tăng trưởng tích cực khi cả 3 chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều có dấu hiệu phục hồi.

Với thị trường Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều trong tháng 5/2024 vẫn duy trì được mạch tăng trưởng tích cực, đặc biệt là chiều xuất khẩu sang Singapore (tăng 31,6%). Tuy nhiên, với sự tăng trưởng giá trị tuyệt đối của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, 5 tháng năm 2024, Việt Nam đã lùi xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore.

Theo số liệu từ Thương vụ, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 2,48 tỷ SGD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục đạt mức 31,6% với giá trị 683,32 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,54%, đạt hơn 1,79 tỷ SGD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 12,67 tỷ SGD, tăng 6,72 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở mức 26,09%, đạt gần 3,29 tỷ SGD và nhập khẩu hơn 9,38 tỷ SGD, tăng 1,27%.

Đáng chú ý, trong thời gian này cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng mạnh gồm nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 28,87%; lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 38,86%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 1,74 lần). Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh như: sắt thép (tăng 2,28 lần); nhôm và các sản phẩm từ nhôm (tăng 10,8 lần)...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Top 5 điểm đến hàng đầu của cá tra giá trị gia tăng Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay bao gồm: Singapore với 3 triệu USD chiếm 23% tỷ trọng; Thái Lan với 2,6 triệu USD chiếm 20% tỷ trọng; Nhật Bản với 1,4 triệu USD, chiếm 10% tỷ trọng; Australia với 1,1 triệu USD chiếm 9% tỷ trọng, và Hoa Kỳ với 1 triệu USD, chiếm 8% tỷ trọng.

Trong số đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất tại là cá tra tẩm bột chiên, cá tra phile tẩm bột giá trị gia tăng sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, với giá trị xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng đó, Top 5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra mã HS 16041990 bao gồm: Singapore chiếm 25%, Thái Lan chiếm 24%, Nhật Bản chiếm 11%, Hoa Kỳ chiếm 9%, Australia chiếm 8% tỷ trọng.

Nhấn mạnh dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng hồi tháng 4/2024 vừa qua, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng, thương mại, công nghiệp, năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh, sạch và bền vững... là những lĩnh vực tiềm năng cần được khai phá.

Điều này nhằm góp phần vào việc xây dựng khuôn khổ quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” mà hai nước đang hướng tới. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến dư địa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; trong đó, đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng gió, năng lượng sạch.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết: Tới đây sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn. Ngược lại, Thương vụ cũng sẽ hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-tim-hieu-ky-chinh-sach-de-tang-xuat-khau-vao-singapore/340143.html