Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau 90 ngày 'vàng'
90 ngày Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là khoảng thời gian 'vàng' để các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội ngành hàng chuẩn bị phương án đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường Mỹ.
Nhận thấy cần phải có những giải pháp căn bản cho các DN xuất khẩu trên địa bàn, ứng phó với mức thuế đối ứng mới từ Mỹ sau 90 ngày tạm hoãn, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, Sở đang theo dõi sát sao diễn biến, thay đổi trong chính sách thương mại của các nước lớn. Đồng thời trao đổi thường xuyên với các DN để nắm bắt nhu cầu thị trường, cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của DN với Bộ Công Thương, từ đó kịp thời tham mưu các biện pháp ứng phó phù hợp.

Các doanh nghiệp sản xuất cần thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào
Sở cũng tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, nhằm hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm đối tác, bạn hàng và nắm bắt xu thế của thế giới. Sở đã đề nghị các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng sang khai thác lợi thế tại các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA.
“Sở cũng đề nghị các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đáp ứng các quy tắc xuất xứ tại các FTA để hưởng lợi ích về thuế quan. Các DN cần thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt từ các nước lớn bị áp thuế để tránh nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh thuế quan”, ông Hiệp cho biết.
Về lâu dài, để chủ động ứng phó với mức thuế quan mới, ông Hiệp đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng giảm thuế VAT 2% để giảm áp lực tài chính đối với các DN. Đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tiếp cận tín dụng. Các Sở, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN rút ngắn thời gian làm thủ tục để tranh thủ nắm bắt được các cơ hội kinh doanh cả trong và ngoài nước.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong 90 ngày hoãn thuế đối ứng là thời gian quý báu để các quốc gia chuẩn bị, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các DN cần thảo luận cũng như tìm cách giải quyết vấn đề thuế quan.
Ông Khanh đặc biệt lưu ý, 90 ngày hoãn áp thuế đối ứng không phải để các quốc gia và DN “thở phào” vì mọi việc đã xong, bởi mức thuế đối ứng chính thức sau 90 ngày như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đàm phán thương mại giữa các quốc gia với Mỹ.
Trong khi hiện nay, thế giới chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc, sẽ tạo ra hai thái cực hết sức nguy hiểm khiến nhiều quốc gia phải chú ý. Tác động của sự đối đầu này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, nên Việt Nam cần chuẩn bị ít nhất 2 kịch bản.
Ở kịch bản thứ nhất, nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, đưa mức thuế MFN trở lại như hiện nay và Mỹ vẫn áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc ở mức 145%, sẽ tạo ra sự lo lắng cho nhiều quốc gia bởi chắc chắn có một lượng dịch chuyển rất lớn về đầu tư, xuất nhập hàng hóa vào Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu của Tổng thống Trump luôn đề cao việc kiểm soát chặt chẽ hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu không minh bạch quá trình này, vô hình chung Việt Nam có khả năng trở thành nạn nhân tiếp theo sau Trung Quốc nếu không có động thái phù hợp.
Ở kịch bản thứ hai, nếu Việt Nam cũng như các nước khác kể cả Trung Quốc không đạt được thỏa thuận mới về thuế với Mỹ, sẽ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chính vì thế. để ứng phó với mức thuế quan dù chưa biết từ phía Mỹ, ông Khanh cho rằng, các DN xuất khẩu cần minh bạch chuỗi cung ứng, tuân thủ đúng các quy tắc xuất xứ hàng hóa, bằng việc đa dạng nguồn cung, trong đó cần chú ý đến nguồn cung ứng từ Mỹ, thay vì phụ thuộc vào 1 nguồn cung ứng chứa đựng nhiều rủi ro. Đây cũng là động thái đang được chính quyền của Tổng thống Trump hết sức quan tâm.
“Tới nay, các DN xuất khẩu dù đã tận dụng tốt các FTA nhưng dư địa còn rất lớn. Nhiều nhóm ngành hàng chủ lực của Việt Nam nhưng xuất hiện tại thị trường EU còn rất khiêm tốn so với dung lượng thị trường hơn 500 triệu dân, do đó các DN cần xóa bỏ tư duy “không bỏ trứng vào 1 giỏ”, ông Khanh lưu ý.

Các DN xuất khẩu cần minh bạch chuỗi cung ứng, tuân thủ đúng các quy tắc xuất xứ hàng hóa
Mới đây. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể là tăng cường quản lý giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu nước nhập khẩu. Phối hợp với Cục Hải quan chủ trì tăng cường công tác đánh giá, giám sát, kiểm tra xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu - đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho sản xuất, xuất khẩu - khi thực hiện thủ tục hải quan...