Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lại 'than' vay vốn phải mua kèm bảo hiểm

Mặc dù, các ngân hàng thương mại không bắt buộc doanh nghiệp vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng các ngân hàng lại đưa ra 2 lựa chọn, gói vay không có bảo hiểm thì lãi suất cao, gói vay có bảo hiểm sẽ lãi suất tốt hơn. Vì vậy, người vay vào thế phải mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố về lĩnh vực ngân hàng, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố tổ chức ngày 30/6 ở TP Hồ Chí Minh, vấn đề khách hàng vay vốn bị ép vào thế phải mua kèm bảo hiểm tiếp tục được doanh nghiệp lên tiếng với mong muốn được cơ quan quản lý có giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề bức xúc này.

Đại diện một doanh nghiệp (xin giấu tên) cho biết, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lúc nào cũng lớn, nhưng câu chuyện tiếp cận vốn thì lại đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo doanh nghiệp này, nếu như cuối năm ngoái các doanh nghiệp gặp khó khăn về hạn mức tín dụng, ngân hàng đang giải ngân thì hết room nên ngừng lại. Khi Ngân hàng Nhà nước mở room tín dụng trở lại, thì lãi suất đột ngột tăng cao khiến doanh nghiệp không dám vay, do lo ngại kinh doanh không hiệu quả. Đến khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, lại phải mua bảo hiểm mới được giải ngân.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cấm các ngân hàng thương mại “ép” khách hàng vay vốn phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên thực tế thì cũng không khác bị ép là bao. “Nhân viên ngân hàng đưa ra lựa chọn cho doanh nghiệp, nếu mua bảo hiểm sẽ được lãi suất ưu đãi, không mua thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. Để hưởng mức lãi suất có thể chấp nhận được, doanh nghiệp buộc phải mua kèm bảo hiểm”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Cũng theo doanh nghiệp này, tình huống này đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vay vốn đều gặp phải. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước có quy định cấm các ngân hàng thương mại “ép” khách vay vốn mua bảo hiểm, tuy nhiên ở thời điểm doanh nghiệp đang rất cần tiền, nếu có khiếu nại thì việc tiếp cận vốn sau đó sẽ rất khó khăn. Các ngân hàng có nhiều sự lựa chọn, nhưng doanh nghiệp thì chỉ có một lựa chọn, vì hồ sơ tín dụng, tài sản thế chấp cũng đã ở ngân hàng, rất khó để chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Dù khoản tiền mua bảo hiểm không quá lớn nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thì rất đáng kể, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì điều này rất phản cảm. Do đó, doanh nghiệp này đề xuất Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại không bán bảo hiểm nhân thọ để xử lý căn cơ tình trạng “ép” khách vay vốn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp cần phân biệt các loại bảo hiểm khi vay vốn. Nếu là bảo hiểm tín dụng cho khoản vay để phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và ngân hàng, yêu cầu khách hàng mua khi vay vốn là đúng. Doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cũng cần mua bảo hiểm này nhằm mục tiêu hạn chế rủi ro cho khoản vay.

“Riêng đối với bảo hiểm nhân thọ mà tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, nếu ngân hàng "ép" khách hàng vay vốn là không được. Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về điều này và thậm chí có đường dây nóng phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Nếu bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hãy phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước", ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.

Trao đổi thêm với doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, về quy định hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại có hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo đó, hoạt động đại lý bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giới thiệu bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng phải đảm bảo phải cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm… Trong trường hợp như công ty phản ánh cho thấy việc vay vốn có bảo hiểm hay vay vốn không có bảo hiểm thuộc về lựa chọn của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại.

Đứng ở góc độ kinh doanh, việc ngân hàng thực hiện như vậy cũng không khác mấy so với các hình thức combo bán hàng hiện nay. Nếu sử dụng combo hay nói khác hơn là mua nhiều thứ hơn, thì sẽ được người bán giảm giá (đối với ngân hàng thì lãi suất cho vay chính là giá bán).

Ngoài ra, đứng về góc độ rủi ro trong hoạt động tín dụng, việc khách hàng mua bảo hiểm thì mức độ rủi ro tín dụng sẽ thấp hơn so với trường hợp không mua bảo hiểm. Do đó, việc ngân hàng áp dụng lãi suất đối với gói vay có bảo hiểm thì lãi suất thấp hơn so với gói vay không có bảo hiểm cũng là phù hợp với việc định giá rủi ro của khoản vay trong hoạt động cho vay đối với khách hàng.

Được biết, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; rà soát, chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Tin, ảnh: H.Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-tpho-chi-minh-lai-than-vay-von-phai-mua-kem-bao-hiem-20230630180237717.htm