Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng 'bắt tay' kết nối giao thương
Gần 30 doanh nghiêp (DN) tỉnh Lâm Đồng và 60 DN của TP. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, trao đổi và kết nối trong việc cung cấp và phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu.
Đó là mục đích của Hội nghị “Kết nối giao thương giữa các DN Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung Tâm xúc tiến đầu tư thương mại & du lịch Lâm Đồng tổ chức ngày 26/7, tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Lâm Đồng là địa phương có rất nhiều thuận lợi cho việc sản xuất các mặt hàng từ nông nghiệp như: rau, hoa, trà, cà phê, rượu vang, rượu đông trùng hạ thảo, các loại hàng đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng…
Ngoài ra, Lâm Đồng còn được biết đến là địa phương đi đầu trong cả nước về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Theo ông Hùng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương được biết đến là cái nôi tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Với dân số trên 13 triệu người, thành phố có thể tiêu thụ trên 40% sản lượng hàng hóa từ nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh có hệ thống bến cảng tốt nhất cả nước như cảng Cát Lái, cảng ICD, cảng Bến Nghé, Khánh Hội, tân cảng Sài Gòn, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… là nơi kết nối hàng xuất khẩu rất tốt, rất phù hợp với thị trường tiêu thụ hàng hóa của Lâm Đồng.
Anh Nguyễn Văn Dương - Công ty Mật ong Vihoney (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) - cho biết: Công ty ra đời hơn 10 năm, hiện nay công ty đang sở hữu 2 trang trại ong với số lượng 400 đàn ong và có các dòng sản phẩm bán lẻ tiêu biểu. Công ty luôn cố gắng hoàn thiện chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã và cung cách phục vụ khách hàng.
“Công ty sẽ không ngừng phấn đấu để đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và 100% nguyên chất cùng với dịch vụ uy tín và nhiệt tình. Thông qua hội nghị này, công ty mong muốn kết nối các nhà phân phối giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh”, anh Dương chia sẻ.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Thông qua hội nghị lần này, các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có cơ hội được quảng bá giới thiệu sản phẩm có chất lượng tiến tới tiêu thụ sản phẩm tại thị trường thành phố. Các nhà phân phối trên địa bàn thành phố cũng có thêm cơ hội được tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm sạch có chất lượng của các DN đến từ đất Lâm Đồng.
Bà Vân hy vọng sau buổi kết nối này, sản phẩm của các DN Lâm Đồng sẽ có mặt trong hệ thống các siêu thị hiện đại trên cả nước. Đồng thời sẽ là bước đệm mở ra những cơ hội cho DN hai địa phương học hỏi trao đổi kinh nghiệm và phát triển hơn nữa sản phẩm chủ lực của mình, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của hai địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Hiện nay, Lâm Đồng đang xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, với mục tiêu là lựa chọn, tôn vinh và giới thiệu những sản phẩm chất lượng, uy tín đến người tiêu dùng; đã có 235 đơn vị được tôn vinh thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Riêng đối với sản phẩm rau, có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717ha; diện tích sản xuất theo GlobalGAP là 21ha. Sản phẩm cà phê arabica Đà Lạt đã được cung cấp cho Starbucks. Chè Olong được xuất đi nhiều thị trường khó tính…
Trước đó, Ban tổ chức cũng đã tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh của tỉnh Lâm Đồng đi khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó giúp các doanh nghiệp Lâm Đồng tìm hiểu thực tế về quá trình kinh doanh của DN TP. Hồ Chí Minh, làm cơ sở để các bên trao đổi, hợp tác liên kết trong thời gian tới.