Doanh nghiệp tuân thủ EPR nộp hơn 1.500 tỷ vào Quỹ Bảo vệ môi trường

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp tuân thủ EPR đã nộp hơn 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường, tính đến hết năm nay.

Từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc. Đây là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp môi trường công nghệ cao trong đó có hoạt động tái chế bao bì.

Thông tin tại tọa đàm Toàn cảnh triển khai EPR ở Việt Nam, ngày 26/12, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý đã tuân thủ và nộp 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường tính đến hết năm nay.

"Chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền dùng nguồn tiền xử lý chất thải hỗ trợ cho dự án thu gom, xử lý chất thải của địa phương, nhất là các tỉnh miền núi khó khăn, không có tiền đầu tư bãi rác hay hạ tầng thu gom chất thải", ông Hùng nói.

Hoạt động phân loại rác tại Nhà máy tái chế nhựa của DUYTAN Recycling (Ảnh: Duy Tân)

Hoạt động phân loại rác tại Nhà máy tái chế nhựa của DUYTAN Recycling (Ảnh: Duy Tân)

Quy định EPR được xem là bước ngoặt quan trọng trong quản lý chất thải và thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế,tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi; giúp các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình và có định hướng cụ thể trong hoạt động tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

"EPR tạo cơ hội chưa từng có cho ngành tái chế Việt Nam", ông Phan Tuấn Hùng nói, thêm rằng các dự án và hoạt động tái chế tới đây sẽ được hưởng ưu đãi về thuê đất, tín dụng và trợ giá.

Còn ông Hứa Phú Doãn - Phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế - cho rằng ngành tái chế Việt Nam còn yếu, khả năng sinh lời thấp, đặc biệt khi phải đầu tư lớn hiện tại để thay đổi công nghệ, bộ máy. Do đó cần có biện pháp mạnh tay với các cơ sở không đạt chuẩn cũng như khuyến khích, hỗ trợ cơ sở tái chế chuyển đổi tạo công bằng cho thị trường.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR. Thực thi EPR không dễ, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ như PRO Việt Nam, EPR tại Việt Nam nhất định được triển khai hiệu quả. "Đây là một bước tiến dài, nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau", ông Trai nói.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Do đó, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-tuan-thu-epr-nop-hon-1500-ty-vao-quy-bao-ve-moi-truong-95819.html