Doanh nghiệp ứng phó giá nhiên liệu tăng

Để ứng phó với cơn 'bão' giá hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải tìm mọi cách tiết kiệm tối đa nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ tháng 4 tới, Công ty CP RedstarCera phải nhập cao lanh từ Indonesia thay nguồn nguyên liệu từ Ukraine như trước

Từ tháng 4 tới, Công ty CP RedstarCera phải nhập cao lanh từ Indonesia thay nguồn nguyên liệu từ Ukraine như trước

Hơn một năm qua, giá các loại nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, than… liên tục tăng. Đặc biệt, cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga thời gian gần đây đã đẩy giá nhiên liệu tăng đột biến. Thực tế này khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu bị ảnh hưởng nặng nề, buộc phải tìm phương án ứng phó lâu dài.

Quay cuồng trong cơn “bão” giá

Trong khi các doanh nghiệp chưa thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thì lại đối mặt với hàng loạt khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao. Hiện giá than, xăng dầu đã tăng hơn 80% so với thời điểm đầu năm 2020. Nguồn cung thiếu hụt trầm trọng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khả năng duy trì hoạt động liên tục của nhiều doanh nghiệp.

Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đang vận hành 3 dây chuyền sản xuất xi măng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, trung bình mỗi năm công ty sử dụng khoảng 120.000 tấn than, 1 triệu lít xăng dầu, 500.000 lít dầu sấy lò và 380 triệu kWh điện. Giá nhiên liệu như hiện nay đã đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh. Doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn khi các đối tác cung cấp thiết bị đều đã thông báo tăng giá. Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước tăng cao khiến chi phí vận tải tăng lên làm ảnh hưởng không nhỏ đến khâu tiêu thụ và nhập nguyên liệu đầu vào của công ty.

Trong khi chưa hồi phục được tình hình kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục rơi vào tình cảnh lao đao khi giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua. Nhiều lái xe của Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương đã phải xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực chi phí. Hiện nay, công ty phải hoạt động cầm chừng, chỉ có gần 50% số xe đang hoạt động. “Trung bình mỗi ngày tôi phục vụ được 3-4 lượt khách, doanh thu khoảng 400.000 đồng. Mỗi ngày xe của tôi tiêu tốn khoảng 7 lít xăng. Với giá xăng gần 30.000 đồng/lít như hiện nay, sau khi trừ doanh thu đóng về hãng, thực thu của tôi không đủ tiền để mua xăng. Vì vậy, rất khó để chúng tôi trụ lại với nghề”, một lái xe của hãng taxi Mai Linh này chia sẻ.

Hoạt động trong lĩnh vực logistics, Công ty CP V.I.P Việt Nam có 20 xe đầu kéo và 13 xe tải khác. Trung bình mỗi tháng công ty tiêu thụ 40.000 lít dầu. Từ chiều 11.3, mỗi lít dầu tăng thêm gần 4.000 đồng nên mỗi tháng công ty này tăng thêm khoản chi phí nhiên liệu là 160 triệu đồng.

 Lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn đã giúp Công ty CP May II Hải Dương tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn đã giúp Công ty CP May II Hải Dương tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Giải pháp thích ứng

Dưới tác động của cơn “bão” giá, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách thích ứng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Anh Hà, Giám đốc Công ty CP V.I.P Việt Nam cho biết: “Để tiết kiệm nhiên liệu, các lái xe phải tắt tất cả các thiết bị trong cabin, hạn chế tối đa thời gian nổ máy chờ. Lái xe sẽ lựa chọn cung đường ngắn nhất để đi. Ngoài cách này, chúng tôi chỉ còn cách ngồi chờ dầu giảm giá bởi rất khó tăng cước vận chuyển trong lúc này”.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn, các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu mang tính chiến lược lâu dài, ổn định hơn. Những năm gần đây, đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí nguyên, nhiên liệu tăng cao, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đã tập trung cải tiến, xử lý nút thắt nhiều công đoạn sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, công ty đã đầu tư nâng cấp hệ thống điều khiển, thay thế các chi tiết linh kiện thế hệ cũ, cải tạo nhiều thiết bị để tăng tuổi thọ, nâng cao hiệu suất và tăng thời gian hoạt động của thiết bị. Qua đó giúp công ty tiết kiệm được chi phí năng lượng hơn chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Đỗ Hoàng Linh, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết thời gian tới, công ty tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai đầu tư chiều sâu, xử lý một số “nút thắt” công nghệ đối với các dây chuyền sản xuất. Công ty cũng đang nghiên cứu để sử dụng nhiên liệu thay thế một phần nhiên liệu than cám.

Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Công ty CP RedstarCera ở TP Chí Linh. Bà Mai Thị Ngọc Lan, Trưởng Phòng Kế hoạch vật tư cho biết trung bình mỗi tháng công ty nhập khẩu khoảng 24 tấn cao lanh KN 80 từ Ukraine. Sản phẩm nhập khẩu dự trữ hiện nay chỉ đủ để dùng hết tháng 3. Trước bối cảnh hiện nay, công ty phải tìm thị trường nhập khẩu khác. Dự kiến từ đầu tháng 4 tới, công ty sẽ nhập nguyên liệu cao lanh KN 80 từ Indonesia. Ngoài ra, cuối năm 2021, công ty đã sử dụng bã vỏ hạt điều để thay thế nguyên liệu than cám, rẻ hơn gần 1 triệu đồng/tấn. Việc thay thế nguyên liệu này đã góp phần giảm gần 40% chi phí nhiên liệu cho doanh nghiệp.

Tương tự, để thay thế than trong quá trình đốt lò hơi để làm sản phẩm, Công ty CP May II Hải Dương đã đầu tư 1,2 tỷ đồng trang bị lò hơi đốt bằng vải vụn. “Với giá than tăng mạnh như hiện nay, lò hơi tạo nhiệt bằng vải vụn đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng”, ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết.

HÀ LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-ung-pho-gia-nhien-lieu-tang-198295