Doanh nghiệp ứng phó khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 2 kim loại với sản xuất chip

Các doanh nghiệp đang chạy đua tìm nguồn cung mới sau khi Trung Quốc ngày 3/7 thông báo hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng đối với sản xuất chất bán dẫn.

Chip bán dẫn SK hynix. Ảnh: TTXVN phát

Chip bán dẫn SK hynix. Ảnh: TTXVN phát

Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ ngày 1/8 tới, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại gali và germani. Theo đó, việc xuất khẩu gali và germani bắt buộc phải có giấy phép, trong đó khai báo rõ mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu. Văn bản hướng dẫn của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ việc ban hành các biện pháp này là nhằm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".

Giới chuyên gia đánh giá quy định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời có thể gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Paul Triolo - Phó Chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu chiến lược Albright Stonebridge tại Mỹ - cho rằng quy định mới của Trung Quốc ảnh hưởng đến các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn và quốc phòng của Mỹ.

Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lo ngại về biện pháp hạn chế mới của Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng bất kỳ sự mở rộng kiểm soát nào đối với các vật liệu như lithium đều sẽ "gây ra vấn đề".

Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn gali và germani trên thế giới. Theo số liệu của hải quan, trong năm 2022, đối tác nhập khẩu gali hàng đầu của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu hàng đầu germani là Nhật Bản, Pháp, Đức và Mỹ.

Giám đốc điều hành công ty Neo Performance - ông Constantine Karayannopoulos cho biết sẽ khó đáp ứng nhu cầu thị trường nếu không có nguồn cung gali từ Trung Quốc, mặc dù có thể thực hiện được các giải pháp thay thế với "chính sách khuyến khích công nghiệp đúng đắn".

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Intel cho biết công ty này đang xem xét thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, đồng thời nêu rõ chiến lược của công ty này là "có một chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng và giảm thiểu rủi ro đối với những thay đổi ở địa phương và nguy cơ gián đoạn nguồn cung".

Công ty Nyrstar của Hà Lan có kế hoạch xem xét các dự án germani và gali ở Australia, châu Âu và Mỹ. Còn một nguồn tin tại công ty sản xuất chip Infineon (Đức) khẳng định doanh nghiệp này ít bị ảnh hưởng do hầu hết các nguồn cung cấp đến từ bên ngoài Trung Quốc. Công ty này hiện sản xuất chất bán dẫn gallium nitride ở Villach (Áo) và sẽ sớm sản xuất vật liệu này tại nhà máy ở Kulim (Malaysia).

Theo các nguồn thạo tin, Bộ Thương mại Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp với các doanh nghiệp sản xuất hai loại kim loại nói trên vào ngày 6/7 để thảo luận về các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Washington cân nhắc những hạn chế mới về xuất khẩu vi mạch công nghệ cao sang Trung Quốc. Trước đó, tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng đã cấm các doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron của Mỹ./.

Thanh Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-ung-pho-khi-trung-quoc-han-che-xuat-khau-2-kim-loai-voi-san-xuat-chip/298158.html