Doanh nghiệp ưu tiên 'xài chéo' hàng hóa, dịch vụ

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau, xây dựng nguồn cung ứng trong nước.

Đẩy mạnh hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp nội với nhau là tiền đề để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia

Đẩy mạnh hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp nội với nhau là tiền đề để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia

Hiện nay, trước nguy cơ phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi sự bấp bênh từ thị trường thế giới thì việc các DN hợp tác lẫn nhau đang mang lại hiệu quả lớn. Điều này giúp hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giữ vững thị phần, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

* Thúc đẩy tiềm năng hợp tác

Là thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, chuyên sản xuất, lắp đặt cửa nội thất bằng nhôm cho các công trình xây dựng, ông Đinh Đức Điền, Giám đốc Công ty TNHH An Gia, nhận định tiềm năng hợp tác giữa các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Theo ông Điền, với gần 600 DN, hội viên nên khi tham gia các hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cũng như các chương trình kết nối, hợp tác, ông đã nhận được những đơn hàng mới. “Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm khách hàng của mình, DN cũng nhận được nhiều sự quan tâm, động viên; nhiều công ty, hội viên tìm đến An Gia để đặt hàng, chứng tỏ sự liên kết hội viên đã mang lại hiệu quả nhất định” - ông Đinh Đức Điền chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thật, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Diệp Nam Phương, chuyên lĩnh vực xuất nhập khẩu và gia công chế tạo trên chất liệu thép không gỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế, thực phẩm, cho hay sản phẩm hiện nay của công ty được bán rất nhiều cho các DN trên địa bàn tỉnh. Với việc phát triển công nghiệp sản xuất, chế tạo mạnh như hiện nay, cơ hội cung ứng hàng hóa ra thị trường, nhất là phục vụ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của công ty đang rất tiềm năng.

Để thúc đẩy DN sử dụng chéo sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của nhau, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đang đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác trong nội bộ cộng đồng doanh nhân trẻ và liên kết, hợp tác với các tổ chức, DN bên ngoài. “Chúng tôi đang nỗ lực duy trì kết nối giao thương, sử dụng sản phẩm của nhau và thực hiện thống kê các hoạt động giao thương. Việc này sẽ được hệ thống hóa bằng số liệu cụ thể trong thời gian tới” - ông Phạm Thế Linh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Biên Hòa cho hay.

* Tận dụng các ưu thế của nhau

DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa) Lê Xuân Thời cho biết, đơn vị cùng một số đối tác cùng ngành nghề, lĩnh vực liên kết với nhau để cùng hỗ trợ mỗi khi gặp khó khăn. “Chúng tôi có nhiều DN nhỏ và vừa, sản xuất các mặt hàng cơ khí, chế tạo lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cùng nhau hợp tác nên có thể tận dụng được các ưu thế của nhau. Khi DN này gặp khó, DN kia có thể giúp đỡ hoặc khi cần dùng sản phẩm, chi tiết nào đó cũng sẽ ưu tiên dùng hàng của nhau vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa giảm được các khâu trung gian” - ông Thời nói.

Trong lĩnh vực sản xuất bao bì, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Ngọc Thanh Phước (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Kim Tuyến cho hay, DN mong muốn sẽ có thêm sự hợp tác, sử dụng hàng hóa dịch vụ, nhất là nguồn nguyên, vật liệu của các đối tác là DN Việt trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc chế tạo mặt hàng bao bì. Bên cạnh đó, đối với các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp khác gặp khó khăn trong thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm thì Ngọc Thanh Phước sẵn sàng hỗ trợ.

“Chúng tôi có thể hỗ trợ tốt hơn cho các DN khởi nghiệp trong vấn đề lựa chọn mẫu mã, bao bì sản phẩm để quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm của bạn ra thị trường thuận lợi hơn. Chỉ cần có ý tưởng, đội ngũ thiết kế của công ty có thể giúp các cơ sở sản xuất, DN khởi nghiệp đưa ý tưởng ấy ra thị trường một cách thuận lợi hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phong trào Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” - bà Tuyến cho biết thêm.

Ngoài sự nỗ lực chung thì cộng đồng DN cũng mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy hợp tác giữa các DN với nhau, khuyến khích DN sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp…

Đối với Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, đơn vị đang xây dựng sàn giao dịch thương mại ngành gỗ. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai LÊ XUÂN QUÂN cho biết, với hàng trăm hội viên trong đơn vị và các DN sản xuất chế biến gỗ không chỉ Đồng Nai mà còn ở các tỉnh, thành lân cận, giao dịch thị trường gỗ là rất lớn. Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đặt quyết tâm và cơ bản vạch ra chiến lược để phát triển, thúc đẩy giao thương trong nước, quốc tế, đặc biệt là phấn đấu hình thành một trung tâm triển lãm tập trung cho ngành gỗ tại địa phương.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202206/doanh-nghiep-uu-tien-xai-cheo-hang-hoa-dich-vu-3119893/