Doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ tay nghề để đáp ứng yêu cầu mới. Do đó, thời gian qua, công đoàn các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp được nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua những cách làm đó, doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao, thúc đẩy năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, người lao động có thêm thu nhập, có cơ hội phát triển năng lực chuyên môn.
Hỗ trợ mọi mặt cho công nhân
Với mục tiêu tạo điều kiện để 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất, khu kinh tế tham gia học tập để đạt trình độ trung học phổ thông; 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất, khu kinh tế được đào tạo nghề; 50% công nhân lao động được đào tạo lại, 40% công nhân lao động có tay nghề cao; 60% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất, khu kinh tế được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học, trong những năm qua các cấp công đoàn, các doanh nghiệp đã không ngừng tạo điều kiện để công nhân lao động được học tập, nâng cao tay nghề.
Song song với việc tổ chức hiệu quả các hình thức tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho CNLĐ, các cấp công đoàn cũng đã và đang triển khai tốt các hội thi tay nghề, phong trào thi đua trong CNLĐ. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện để CNLĐ ôn lý thuyết, luyện tay nghề mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, kỹ năng nghề nghiệp của CNLĐ trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Tính đến nay, công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã 5 năm liên tiếp tổ chức thành công Hội thi Thợ giỏi ngành cơ khí trong CNLĐ với các nội dung thi: Nghề hàn CO2, nghề phay công nghệ cao, nghề Tiện vạn năng, nghề Phay vạn năng, nghề cắt gọt kim loại trên máy công cụ tiện công nghệ cao.
Ông Nguyễn Duy Vinh, Giám đốc Nhà máy kỹ nghệ Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương cho biết để nâng cao chất lượng lao động thì việc cần làm trước tiên là làm cho người lao động hiểu, ý thức được việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề không chỉ làm lợi cho bản thân mà còn đóng góp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo cần được chú trọng, không chỉ ở các cơ sở đào tạo, dạy nghề mà còn ở tại doanh nghiệp, đó cũng là cách các doanh nghiệp giữ được chân người tài ở lại với mình.
Hội thi đã thu hút đông đảo CNLĐ tham gia và là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần khuyến khích CNLĐ ôn lý thuyết, luyện tay nghề để kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư công nghệ mới dây chuyền sản xuất.
Cùng với đó, các cấp công đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hội thi như: Hội thi bàn tay vàng, hội thi công nhân đa công đoạn, hội thi nghệ nhân tập đoàn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, khắc phục những hạn chế của trang thiết bị, góp phần tiết kiệm nhân công, nguyên liệu… Từ đó, giúp CNLĐ nâng cao tay nghề, giảm hàng lỗi, hàng hỏng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động…
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNLĐ vào Thỏa ước lao động tập thể, tạo điều kiện cụ thể về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất; động viên, khuyến khích CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; vận động các doanh nghiệp xây dựng Quỹ Khuyến khích học tập nâng cao tay nghề CNLĐ để hỗ trợ, động viên, tặng học bổng, khen thưởng CNLĐ tích cực và có thành tích cao trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Các công đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hiệu quả các hội thi như: Hội thi Casting, hội thi tay nghề phun men của Công ty TNHH Toto Việt Nam; Hội thi Olympic kỹ năng sản xuất dây của Công ty Hệ thống dây Sumi Hanel; Hội thi Measurement Olympic (Kỹ năng đo đạc), hội thi Công nhân đa công đoạn (nghệ nhân), hội thi Lắp ráp máy in văn phòng của Công ty TNHH Canon Việt Nam…
Đặc biệt, tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã chủ động cùng với công đoàn cơ sở tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng và đưa tiêu chí công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo vào quy chế xét nâng lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao. Từ việc phát động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua trong CNLĐ đã góp phần đặt ra mục tiêu phấn đấu trong mỗi CNLĐ để họ luôn chủ động tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất chất lượng hiệu quả cao trong công việc, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ hội nhập.
Lợi công nhân, lợi cả doanh nghiệp
Ông Yamazaki Takayuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH SWCC SHOWA (Việt Nam), khu công nghiệp Thăng Long cho biết: Với ngành nghề sản xuất thanh cuốn giấy trong máy in, để công ty luôn ổn định và phát triển, doanh thu liên tục tăng trưởng là nhờ có sự phát huy vai trò của tổ chức công đoàn đặc biệt là sự cống hiến, nỗ lực của toàn bộ người lao động. Những CNLĐ, họ đã đã tích cực thi đua lao động, nâng cao hiệu suất sản xuất, bảo đảm chất lượng để xây dựng doanh nghiệp vững mạnh.
Thấu hiểu được tầm quan trọng đó, công ty luôn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ, công ty cùng với tổ chức công đoàn xây dựng đội ngũ CNLĐ có tác phong lao động công nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để mỗi CNLĐ được học tập, nâng cao chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của công việc.
Công nhân không chỉ được đào tạo bằng các khóa học mời giảng viên đến ôn lý thuyết, luyện tay nghề, mà còn thông qua hình thức trao đổi lao động để đưa công nhân sang nước ngoài đào tạo. Bên cạnh đó, các công ty thực hiện chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ chi phí để công nhân tiếp tục học tập nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề.
Qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ việc cải thiện chất lượng nguồn lao động giúp doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao, thúc đẩy năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đưa doanh nghiệp đứng vững trên thị trường.
Mặt khác, với mỗi công nhân khi được học tập, nâng cao tay nghề thì bản thân họ được nhiều cái lợi như có cơ hội phát triển thăng tiến trong công việc, tăng thu nhập cho bản thân… Tuy nhiên, để thực sự nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao cho CNLĐ đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều giải pháp và cần sự đồng thuận không chỉ giữa người sử dụng lao động với người lao động mà cần sự kết hợp hài hòa của nơi đào tạo lao động.
Ông Nguyễn Duy Vinh, Giám đốc Nhà máy kỹ nghệ Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương cho biết để nâng cao chất lượng lao động thì việc cần làm trước tiên là làm cho người lao động hiểu, ý thức được việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề không chỉ làm lợi cho bản thân mà còn đóng góp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cần được chú trọng, không chỉ ở các cơ sở đào tạo, dạy nghề mà còn ở tại doanh nghiệp, đó cũng là cách các doanh nghiệp giữ được chân người tài ở lại với mình.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-cung-huong-loi-93056.html