Doanh nghiệp và người lao động gặp khó
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực xoay xở nhưng nỗi lo lắng về sụt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc vẫn đang hiển hiện.
Gồng mình chống chọi
Hơn 4 tháng nay, anh Phan Quang Cẩn, công nhân Công ty CP One One miền Trung làm việc đúng 8 tiếng/ngày. Thu nhập hàng tháng của anh cao nhất cũng chỉ 4,5 triệu đồng. “Có tháng thu nhập của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng. Là lao động chính trong nhà, nên cuộc sống của gia đình tôi luôn thiếu trước, hụt sau dù đã chắt bóp chi tiêu đủ đường”, anh Cẩn chia sẻ.
Dù thu nhập chỉ còn 2/3 so với trước, nhưng anh Cẩn vẫn còn là may mắn với nhiều người trong công ty. Gắn bó với Công ty CP One One miền Trung gần 7 năm, nay chị Nguyễn Ngọc Thủy phải nghỉ ở nhà làm ruộng chờ việc. Chị kể, cũng có nhiều công ty tuyển dụng, nhưng không quen công việc khác nên chị chọn ở nhà.
Ông Nguyễn Phước Bảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP One One miền Trung cho biết, từ đầu năm nay, công ty đã rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, cộng với thiệt hại do bị cháy vào đợt tháng 3 vừa qua nên công ty càng khó khăn. Ban giám đốc công ty cũng đối thoại với người lao động (NLĐ), mong NLĐ cùng thông cảm, chia sẻ. Hơn 3 tháng nay, công ty chỉ duy trì việc làm cho hơn 40 lao động để khôi phục hậu quả do cháy, 240 lao động còn lại, một số đầu quân cho các công ty khác, một số làm việc thời vụ tại địa phương chờ nhà máy hoạt động trở lại.
“Hiện công ty đã cơ bản khắc phục được sự cố do cháy và đang nỗ lực tìm kiếm thị trường bằng cách phong phú hóa sản phẩm chinh phục khách hàng. Dự kiến, nhà máy sẽ trở lại hoạt động sản xuất bình thường vào cuối tháng 6 này”, ông Bảo cho biết.
Từ gần 700 lao động, đến thời điểm hiện tại Công ty THHH Thakson Huế chỉ còn lại 380 lao động. Bà Vũ Thị Nguyệt, đại diện công ty cho biết, bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng từ giữa năm 2022, nhưng từ đầu năm đến nay công ty mới thực sự khó khăn. Hiện đơn hàng của công ty chỉ đủ sản xuất đến tháng 7. Trước tình trạng đó, dù công ty chưa có động thái giảm lao động, hay giảm giờ làm nhưng công nhân đã chủ động nhảy việc.
Thiếu đơn hàng cực kỳ khó khăn với những DN nhỏ, một số DN sản xuất thuộc nhiều ngành nghề cho biết, thời gian qua họ đã nỗ lực xoay xở mọi cách trong khả năng, những việc gì làm được họ cũng đã làm hết cách để tồn tại, duy trì sản xuất và cố gắng giữ lực lượng lao động cao nhất có thể. Tuy nhiên, tình hình thị trường trong và ngoài nước khó khăn kéo dài trong thời gian qua dường như đã vượt xa sự căng kéo, khả năng gồng gánh,… của DN, nhất là những DN quy mô nhỏ và vừa, yếu về tài chính, quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Quảng Thành thông tin, thời điểm này, năm trước, công ty đang duy trì việc làm, thu nhập cho gần 100 lao động, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn 40 lao động, ngày làm ngày nghỉ. “Hoạt động của nhà máy hiện nay chỉ mang tính duy trì. Để đảm bảo thu nhập cho NLĐ hơn 4 triệu đồng một tháng trong thời điểm này, bản thân tôi phải bù thêm tiền túi. Nghĩ kinh doanh cũng như đi buôn lúc lời lúc lỗ nên tôi chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cho biết.
Ngoài ra, nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện đều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do bị thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm lao động và hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, các đối tác tại các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Trung Quốc... đang tạm dừng nhập khẩu hoặc hạ giá sản phẩm, các DN tồn kho sản phẩm rất lớn nên phải cắt giảm sản xuất chờ tiêu thụ sản phẩm.
Bám sát, đồng hành và hỗ trợ
Đồng hành với NLĐ bị ảnh hưởng do DN thiếu đơn hàng, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa trao hỗ trợ 257 người là đoàn viên, NLĐ với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Đây là số lao động thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 6696 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tuy số lao động chấm dứt hợp đồng lớn, nhưng số DN tuyển dụng người lao động cũng nhiều. Từ đầu năm đến nay, thông qua tổ chức các sàn giao dịch việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động.
“Chúng tôi luôn chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình NLĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đồng thời tổ chức nhanh kết nối việc làm mới cho NLĐ”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, hiện sở tập trung hỗ trợ phát triển DN, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho DN tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD). Đồng thời, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và NLĐ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn tín dụng khác để đầu tư phát triển, mở rộng SXKD, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đứng trước những khó khăn hiện hữu và qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều DN, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Nhiều chủ DN đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ chính quyền và các cơ quan quản lý để giúp DN duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng đơn hàng tiếp tục khó khăn. Điều quan tâm nhất của DN là, Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục...
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 13 DN bị ảnh hưởng SXKD dẫn đến 2.222 lao động bị chấm dứt, giảm giờ làm.