Doanh nghiệp vẫn phải chờ 'độ trễ' của tác động giảm lãi suất điều hành

Sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay cũng đã có phần giảm nhưng vẫn chưa nhiều. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có những giải pháp để rút ngắn bớt phần nào 'độ trễ' của thị trường.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ảnh: TL

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ảnh: TL

Tín dụng tăng chậm

Theo thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng qua gần nửa đầu năm theo đó mới đạt khoảng hơn 1/4 kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm 2023. Cụ thể theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN, NHNN đặt ra nhiệm vụ cho năm 2023 là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức bình quân khoảng 4,5%, định hướng tín dụng tăng khoảng 14 - 15%.

Trên cơ sở này, NHNN đã xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Một số tiêu chí cơ bản để phân bổ hạn mức tín dụng là kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường... Hồi tháng 2/2023, NHNN cũng đã cấp hạn mức tín dụng lần 1 ở mức khoảng 11%.

Với cục diện hiện tại, hạn mức để các ngân hàng tiếp tục cho vay không thiếu, thanh khoản của toàn nền kinh tế đang rất dồi dào. Không chỉ ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng lớn mà kể cả các ngân hàng nhỏ thanh khoản cũng đang khá tốt ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, quan điểm của NHNN đưa ra gần đây vẫn cho thấy tiếp tục thực hiện các yêu cầu mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Theo đánh giá của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, tăng trưởng tín dụng như thực tế diễn ra nửa đầu năm là thấp, nhưng đó là yếu tố khách quan của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng một mặt vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng chứ không đẩy ra bằng mọi giá dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu trong tương lai.

Theo đó, trong nhiệm vụ đặt ra cho nửa cuối năm 2023, NHNN cho biết tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. NHNN vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục kỳ vọng giảm lãi suất

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành với mục đích giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý. Thực tế, lãi suất đã hạ thấp hơn so với trước đây với lãi suất tiền gửi bình quân của các TCTD ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

Mặc dù vậy, kỳ vọng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân vẫn mong muốn lãi suất cho vay cần giảm thấp hơn nữa. Trước vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, sau khi NHNN thực hiện các đợt giảm lãi suất thì tác dụng của chính sách đến thị trường cũng cần có độ trễ nhất định. Lý do là, ngân hàng khi cho vay phải đảm bảo các yếu tố chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, trong khi đó rất nhiều khoản tiền gửi của người dân gửi vào ở thời điểm lãi suất cao tới trên 10% và hiện nay vẫn còn thời hạn. Điều này đồng nghĩa là các ngân hàng thương mại vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền với lãi suất như trong sổ tiết kiệm khi họ gửi tiền, do đó, ngân hàng nếu cho vay thấp hơn lãi suất này thì sẽ bị lỗ.

Mặc dù vậy, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tìm giải pháp để cố gắng rút ngắn nhất “khoảng trễ”, trong đó sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại cố gắng tìm các giải pháp cắt giảm cho phí, thậm chí hy sinh bớt một phần lợi nhuận, lấy khoản này bù khoản khác để có thể đưa lãi suất cho vay giảm sớm hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ thực hiện việc rà soát quy trình cho vay của các ngân hàng thương mại và sẽ khuyến nghị tinh giảm thủ tục nếu có những thủ tục nào còn rườm rà không cần thiết. Cụ thể, NHNN sẽ có đoàn công tác đi nắm tình hình về thủ tục ở một số ngân hàng xem các quy định mà các ngân hàng đang thực hiện trong thủ tục quy trình cho vay với khách hàng. Trên cơ sở đó, NHNN cũng so sánh đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, các quy trình nội bộ của ngân hàng thương mại nếu đúng thực sự cần thiết cho việc đảm bảo an toàn tín dụng thì vẫn giữ lại các thủ tục đó.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, những thủ tục riêng của các ngân hàng nếu có những quy định nào đó phi lý không cần thiết, thì NHNN cũng sẽ khuyến nghị để các ngân hàng thương mại bãi bỏ các quy định bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Điều hành lãi suất trong nước theo phương án riêng so với quốc tế

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhưng Việt Nam vẫn có phương án riêng vì bối cảnh kinh tế nước ta có các điều kiện về kiểm soát lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế hợp lý cho phép Việt Nam có thể giảm lãi suất điều hành.

Theo đó, mục tiêu thời gian tới của NHNN là tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-van-phai-cho-do-tre-cua-tac-dong-giam-lai-suat-dieu-hanh-130685-130685.html