Doanh nghiệp vận tải hành khách: Khó chồng khó

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có DN kinh doanh vận tải hành khách lâm vào tình trạng khó khăn, áp lực về tài chính khiến DN buộc phải triển khai các biện pháp tình thế để tồn tại. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh thời gian thực hiện một số quy định cho phù hợp tình hình dịch bệnh.

Cắt giảm hợp đồng lao động

Công ty TNHH vận tải Thành Công là một trong những DN lớn nhất của ngành vận tải hành khách Bình Phước. Toàn công ty có trên 120 xe khách, hoạt động 7 tuyến cố định liên tỉnh gồm: Bù Đăng - miền Đông, miền Tây; Phước Long - miền Đông, miền Tây; Đồng Xoài - miền Đông, Khánh Hòa, Vũng Tàu. Từ nhiều tháng qua, tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến mọi hoạt động vận chuyển hành khách phải tạm ngừng, DN đối mặt với nhiều khó khăn.

Bà Lại Thị Ánh Nguyệt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Thành Công cho biết: Khó khăn nhất là không biết khi nào dịch mới ổn định, trong khi số hợp đồng lao động của công ty nhiều. Mà còn hợp đồng thì còn phải trả lương và các khoản phí đi kèm. Ban đầu, công ty cũng muốn giữ chân các lao động để khi tình hình dịch ổn định, việc tiếp tục hoạt động trở lại sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, nhận thấy dịch còn kéo dài, công ty không đủ kinh phí trả lương cho người lao động, giải pháp tình thế là buộc công ty phải cắt hơn 200 hợp đồng lao động, chủ yếu là nhân viên lái xe. Một số vị trí việc làm khác vẫn duy trì hoạt động nhưng các nhân viên đồng ý giảm lương và các khoản phí, phụ cấp từ 30-50% để chia sẻ khó khăn với DN.

Bà Lại Thị Ánh Nguyệt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Thành Công lo lắng xe để lâu ngày không hoạt động thiết bị sẽ xuống cấp

Bà Lại Thị Ánh Nguyệt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Thành Công lo lắng xe để lâu ngày không hoạt động thiết bị sẽ xuống cấp

Nhiều tháng qua, hàng chục xe khách của công ty phải nằm phơi nắng, phơi mưa, chưa kể một số xe phải thuê chỗ đậu vì công ty không đủ diện tích. Khi không hoạt động, tất cả xe đều có nguy cơ bị hỏng, hao mòn thiết bị. Ông Trần Quý, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH vận tải Thành Công cho biết: “Xe đậu lâu ngày không hoạt động thì nguy cơ hỏng đầu tiên là bình ắc-quy và vỏ xe. Bởi đậu một chỗ quá lâu, vỏ xe bị rạn nứt, mục mọt, khi hoạt động trở lại rất dễ gây nổ. Xe đậu ngoài nắng, mưa lâu ngày, nước sơn xuống cấp. Do vậy, đội ngũ kỹ thuật phải thường xuyên nổ máy, sạc bình, chạy vài vòng cho vỏ xe đàn hồi, thường xuyên lau chùi nội thất, kiểm tra hệ thống điện”.

Bán xe trả nợ

Ông Dương Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Bình Phước cho biết: “Hiệp hội có khoảng 1.000 DN vận tải các loại. Mặc dù ngành ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ giãn nợ gốc cho DN nhưng khoản lãi vẫn phải đóng. Bên cạnh đó, nhiều DN còn phải giữ chân lao động và chi phí nhiều khoản khác để duy trì hoạt động, đến khi dịch lắng xuống sẽ sẵn sàng hoạt động trở lại, do vậy cũng gặp nhiều khó khăn”.

Xe đậu lâu ngày không hoạt động nguy cơ thiết bị xuống cấp. Do vậy, nhân viên kỹ thuật phải thường xuyên bảo dưỡng. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH vận tải Thành Công vệ sinh nội thất xe, chống mốc, rỉ sét

Là thành viên hiệp hội, ông Bùi Văn Tuất ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài - chủ DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định Bình Phước - Thừa Thiên Huế từ năm 1995. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách, trong 2 năm (2018, 2019), ông Tuất vay ngân hàng đầu tư thêm 2 xe ôtô hạng cao cấp, gồm xe giường nằm 45 chỗ và xe buồng 35 chỗ, nâng tổng số lên 4 xe. Bình quân mỗi tháng, ông phải trả góp ngân hàng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, do không hoạt động, không có thu nhập, thậm chí còn phải gửi mỗi nơi một xe, khiến ông vô cùng sốt ruột. Áp lực tài chính ngân hàng khiến ông phải bán bớt 2 xe để giải quyết khó khăn.

Nếu bình thường không có dịch bệnh, các xe hoạt động đồng đều, doanh nghiệp có thu nhập thì các khoản trả ngân hàng sẽ được giải quyết trong 5 năm, mức trả góp hằng tháng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, dịch Covid-19 quá phức tạp và kéo dài nên tôi chọn giải pháp bán xe, trả bớt nợ là hợp lý.

Ông Bùi Văn Tuất, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài

Xin dời thời gian gắn camera

Theo quy định tại Nghị quyết số 66/2021/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, thực hiện việc lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container và xe đầu kéo đến hết ngày 31-12-2021 đều phải gắn camera trong suốt quá trình hoạt động. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan chức năng nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe chạy cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ đối với xe chạy trên 500km. Tuy nhiên, quy định này đến nay vẫn chưa được các DN, địa phương thực hiện hoặc có nhưng kết quả đạt rất ít.

Bà Lại Thị Ánh Nguyệt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Thành Công cho biết: “Hiện các xe của công ty chỉ có camera chụp ảnh, chứ chưa có camera ghi lại bằng video. Theo giá thị trường hiện nay, chi phí lắp 1 camera quay video từ 7-8 triệu đồng, trong khi chúng tôi có trên 120 xe, nếu lắp hết phải mất khoảng 1 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí quá lớn với DN lúc này vì chưa biết khi nào vận tải hành khách liên tỉnh mới hoạt động trở lại”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Bình Phước cho biết: Mặc dù UBND tỉnh đã cho phép ngành vận tải hoạt động nội tỉnh theo Công văn số 3513 ngày 15-10-2021 để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa gắn với phòng, chống dịch nhưng vẫn chưa có DN nào hoạt động trở lại vì không có khách. Ngày 1-12-2021, chúng tôi đã gửi văn bản về Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Chính phủ lùi thời gian gắn camera đến ngày 30-12-2022. Hy vọng, khi đó dịch đã được kiểm soát trên toàn quốc và ngành vận tải hoạt động ổn định trở lại.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THU PHÍ KHÔNG DỪNG TRONG QUÝ 1/2022

Theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các tỉnh phải hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng đối với các làn thu phí còn lại tại các trạm thu phí trong quý 1/2022. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát khiến Bình Phước và các tỉnh phía Nam phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh cũng ngừng hoạt động và mới vận hành trở lại. Hiện các trạm thu phí đang tiến hành thực hiện các thủ tục. Trong đó, 2 dự án BOT trên đường ĐT741 đã được nhà đầu tư lập hồ sơ thiết kế 4 làn còn lại và Sở Giao thông vận tải thẩm định. Dự án BOT quốc lộ 13, đoạn Tham Rớt - Bình Long mới trình Sở Giao thông vận tải, dự kiến sở sẽ hoàn thành thẩm định trong tháng 12-2021. Riêng dự án BOT quốc lộ 13, đoạn An Lộc - Hoa Lư chưa trình sở thẩm định. Sở Giao thông vận tải cho biết, theo quy định, các làn thu phí chưa được đầu tư, lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng đúng thời gian, sẽ bị đóng làn. Do đó, sở đang tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư BOT hoàn thành lắp đặt đúng thời hạn.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/129044/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-kho-chong-kho