Doanh nghiệp vào 'cuộc đua xanh'

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bước vào cuộc đua tăng trưởng xanh - xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước đang phát triển, cũng phải hướng tới. Chính phủ cũng đang nỗ lực tìm kiếm chính sách, công cụ để cùng doanh nghiệp hóa giải các thách thức trên hành trình này để tiến tới mục tiêu Net Zero.

Ông NGUYỄN TRUNG ANH, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững, Tập đoàn PAN
Áp lực lớntừ khách hàng

Chính phủ sau khi cam kết đạt được Net Zero với thế giới đã kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. Hiện đã có 1.912 doanh nghiệp phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong những năm tới. Việc áp dụng các mô hình phát thải thấp sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phát triển xanh của Chính phủ.

Hơn nữa, áp lực phải xanh hơn, sạch hơn từ các khách hàng khá lớn. Điển hình là nhiều khách hàng từ EU rất coi trọng việc truy dấu vết carbon trên sản phẩm. Như vậy, các nhà cung cấp phải thực hiện kiểm kê carbon và giải pháp giảm dấu vết carbon trên sản phẩm của mình.

Về phía bản thân doanh nghiệp cũng có nhu cầu về tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh như cần giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Đây là động lực để doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế phát thải thấp. Lợi ích doanh nghiệp sẽ nhận thấy ngay khi áp dụng các giải pháp ở cấp độ nhà máy sản xuất là tiết kiệm chi phí và giảm phát thải.

Ví dụ, nhờ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất thiết bị, PAN có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận đều tăng do giá trị thương hiệu tăng khi đưa hàng ra thị trường quốc tế và có thể thâm nhập các thị trường có giá trị cao hơn. Đồng thời, việc tận dụng phế phẩm, phụ phẩm cũng đem lại nguồn thu lớn. Hàng năm, công ty của PAN có hàng nghìn tấn vỏ tôm sau chế biến. Thay vì tốn chi phí xử lý, Tập đoàn hợp tác với công ty khác chế biến thành thức ăn chăn nuôi và có thêm khoản thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, một lợi ích lớn khác từ việc công ty tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội là doanh nghiệp có thể thu hút các nhà đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông VŨ CHÍ CÔNG, Giám đốc, Trưởng bộ phận Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG), Tập đoàn Vinacapital
Nguồn vốn xanh khá dồi dào

Nguồn vốn xanh hiện nay khá dồi dào nhưng cơ hội đầu tư vào Việt Nam không nhiều. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp chưa cung cấp được nguồn thông tin, dữ liệu của mình về phát triển bền vững, ví dụ như công khai thông tin trên sản phẩm nhãn mác về nguồn nguyên liệu. Khi các quỹ đầu tư tiếp cận, họ không có căn cứ để biết doanh nghiệp hoạt động có phù hợp với các tiêu chí đầu tư xanh hay không. Hiện nay, mới có các doanh nghiệp lớn làm được điều này, những doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể thực hiện ở quy mô đơn giản hơn.

Do đó, doanh nghiệp cần xem xét lại lĩnh vực kinh doanh của mình có tác động như thế nào đến phát triển bền vững, cả tích cực và tiêu cực. Với tác động tiêu cực thì sẽ có giải pháp gì. Từ đó có định hướng ghi chép, cập nhật thông tin, dữ liệu cần thiết, ví dụ như thông tin kiểm kê khí nhà kính. Doanh nghiệp nào làm tốt công tác kiểm kê, lưu trữ và công bố thông tin sẽ có lợi thế lớn hơn.

Bà ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường
Khó khăn sẽ dần được giải quyết

Để hướng tới Net Zero, quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Những khó khăn về công nghệ, nguồn lực sẽ dần được giải quyết theo thời gian.

Hiện Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kiểm kê khí nhà kính giúp các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon. Đối với quy định mới của EU về truy vết carbon, EU cũng đã mở cổng thông tin cho doanh nghiệp trong diện bị áp quy định này và có các khóa đào tạo, với những hướng dẫn chi tiết cách thức xuất nhập khẩu vào EU.

Về nguồn lực, sẽ có nhiều cơ hội mới thông qua các quỹ đầu tư xanh toàn cầu và từ chính sách mới của Nhà nước để thúc đẩy nguồn vốn xanh, đầu tư vào giảm phát thải và Net Zero. Việc chuyển đổi công nghệ mới ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh còn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc
Cụ thể hóa tăng trưởng xanh bằng các chương trình, dự án

Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước đang phát triển, cũng phải hướng tới. Ở nước ta, các địa phương đã thay đổi rất mạnh mẽ trong chiến lược thu hút đầu tư. Rất nhiều địa phương "nói không" với các dự án chỉ sử dụng công nghệ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án không định hướng mục tiêu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Hàng loạt dự án, kể cả các dự án có quy mô lớn, đã bắt đầu cam kết đầu tư tại Việt Nam với mục tiêu phải đạt tiêu chí trung hòa carbon ngay từ khi sản xuất.

Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng đặt ra nhiều khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Một là, xây dựng chính sách, công cụ để huy động nguồn lực tài chính và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho phát triển xanh và bền vững. Nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư. Do đó, trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình dự án quốc gia của các bộ, ngành, địa phương. Việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ được ưu tiên để thực hiện các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong từng giai đoạn.

Hai là, mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ phải được cụ thể hóa bằng các dự án và chương trình thực tiễn, tập trung vào các lĩnh vực đột phá. Ví dụ như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng hóa thạch, tiến tới chấm dứt sản xuất các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển các công trình xanh đạt mức phát thải carbon bằng 0; tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế; quản lý các chất thải; vấn đề hấp thụ carbon... Đây là các lĩnh vực trong thời gian tới sẽ là ưu tiên rất cao trong chính sách của Việt Nam.

Ba là, huy động nguồn lực, đây là vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần huy động nguồn tài chính tăng thêm khoảng 6,8% GDP/năm, tương đương với khoảng gần 400 tỷ USD từ nay đến năm 2040. Do đó, việc huy động các nguồn lực là hết sức cần thiết và đóng vai trò cốt yếu. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thiết lập xây dựng một hệ thống đo lường, giám sát và báo cáo quá trình triển khai các kế hoạch.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-vao-cuoc-dua-xanh-i341744/