Doanh nghiệp vật liệu xây dựng sụt giảm hàng tỷ USD doanh thu

Ngành gốm sứ xây dựng chỉ hoạt động 50 - 60% công suất; xi măng giảm sản lượng; thép, bê tông ế ẩm… Bức tranh của ngành vật liệu xây dựng 5 tháng đầu năm nhiều màu trầm khi doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm hàng tỷ USD.

Thị trường vật liệu xây dựng gần như ngưng trệ

Doanh thu ngành gốm sứ xây dựng đã bị sụt giảm khoảng 1 tỷ USD bởi tác động của đại dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản trong nước đình trệ... Thông tin này được lãnh đạo ngành gốm sứ chia sẻ tại Hội thảo Tìm giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, được 8 hội và hiệp hội doanh nghiệp tổ chức họp khẩn cuối tuần qua.

Năm 2020, công suất toàn ngành gốm sứ xây dựng đạt 800 triệu m2 gạch ốp lát các loại và 24 triệu sản phẩm sứ vệ sinh; doanh thu đạt trên 80.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD), đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đạt kim ngạch trên 500 triệu USD/năm.

Nhưng giai đoạn này, thị trường gốm sứ xây dựng gần như “đóng băng”, cả sản xuất và lưu thông đều tê liệt. Từ năm 2021 đến nay, sản xuất - kinh doanh sụt giảm 30 - 35%, đặc biệt là năm 2022 và quý I/2023, mặc dù đã cắt giảm một nửa công suất, nhưng lượng tồn kho vẫn lên tới 18 - 20%. Doanh thu ngành gốm sứ xây dựng 2 năm gần đây chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD/năm, giảm 1 tỷ USD so với trước đại dịch.

“Thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, người dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao… nên thị trường vật liệu xây dựng gần như ngưng trệ. Nếu không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ xây dựng là hiện hữu”, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam bày tỏ.

Không chỉ gặp khó khăn do tiêu thụ ế ẩm, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng còn đang chịu tổn thất lớn vì bị cắt điện luân phiên. Để đảm bảo vận hành sản xuất liên tục, doanh nghiệp cần được cung cấp điện, nước… ổn định. Bởi chỉ cần bị cắt điện 30 giây, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải mất 1 ngày mới có thể ổn định lại dây chuyền sản xuất.

Ngành thép cũng trong tình cảnh tương tự. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ hơn một năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngành thép phải vật lộn với khó khăn. Sản xuất thép thô 4 tháng đầu năm 2023 đạt 5,998 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ đạt 6,142 triệu tấn, giảm 18%; xuất khẩu thép thô đạt 518.000 tấn, giảm 78%.

Ngành bê tông bước vào năm 2023 với mục tiêu doanh thu cả năm đạt 4,2 tỷ USD, tương ứng đạt 130,2 triệu m3 bê tông. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ rất chậm, sản lượng quý I/2023 chỉ đạt 32,4 triệu m3 bê tông.

Còn với ngành kính thủy tinh, theo thông tin được ông Lê Văn Thọ, Phó chủ tịch Hiệp hội Kính thủy tinh Việt Nam chia sẻ, trong 2 năm 2020 - 2021, có khoảng 80% đơn vị gia công, lắp đặt kính phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành ước giảm 70 - 80% so với cùng kỳ, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục. Hiện nay, lượng tồn kho lũy kế của các doanh nghiệp vào khoảng 6 tháng sản xuất.

Có thể thấy, thị trường bất động sản khó khăn, rất ít dự án mới được đưa vào triển khai là nguyên nhân chính khiến vật liệu xây dựng ế ẩm. Theo Bộ xây dựng, năm 2022, số lượng dự án mới được cấp phép giảm mạnh so với năm 2021. Năm 2023, nguồn cung dự án mới cũng không có sự cải thiện.

Tiếp tục giảm sản lượng

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển khá mạnh, sản lượng vượt 10 - 30% so với nhu cầu sử dụng trong nước.

“Trước tình hình thị trường khó khăn do kinh tế suy giảm, doanh nghiệp cần tính toán giảm sản lượng sản xuất tương ứng với nhu cầu để giảm tồn đọng”, ông Bắc khuyến nghị.

Đề xuất giải pháp gỡ khó, lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có biện pháp để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ 95 - 100% kế hoạch năm 2023; đồng thời chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và đơn giản thủ tục gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội để dân sớm được vay vốn; giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất đến hết năm 2023…

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy, những khó khăn, thách thức của các ngành vật liệu xây dựng rất khó có thể nhanh chóng giải quyết, bởi nhiều ngành có năng lực sản xuất lớn, vượt xa sức cầu.

Đơn cử, với ngành xi măng, mức tiêu thụ tại thị trường nội địa trong nhiều năm nay chỉ quanh mức 60 triệu tấn/năm, kênh xuất khẩu cao điểm đạt 45 triệu tấn/năm, tổng mức tiêu thụ đạt khoảng 100 triệu tấn/năm, nhưng hiện tại, công suất toàn ngành đã lên tới 112 triệu tấn/năm. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm (giảm lần lượt 12% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2022), tình trạng dư cung hiện hữu.

Ngành kính xây dựng còn bất cập hơn. Hiện các nhà máy đang vận hành có tổng công suất đáp ứng tương đối đủ nhu cầu về kính xây dựng tại Việt nam trong 5 năm tới. Đó là lý do ngành này đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cân nhắc kỹ, hạn chế việc cấp phép đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất kính xây dựng thông thường, chỉ ưu tiên các dự án công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm kính công nghệ, kính tiết kiệm năng lượng và các sản phẩm xanh.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-sut-giam-hang-ty-usd-doanh-thu-d191836.html