Doanh nghiệp vì người lao động

Không chỉ giữ được nhịp tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp còn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

 Ông Nguyễn Văn Phong (trái), Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế tặng quà cho người lao động

Ông Nguyễn Văn Phong (trái), Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế tặng quà cho người lao động

Những ngày cuối năm, hơn 1.200 công nhân lao động Công ty TNHH MSV, Khu công nghiệp Phú Bài làm việc trong tâm thế vui vẻ phấn khởi. Mỗi tuần công ty tổ chức tăng ca ba ngày, mỗi ngày tăng hai tiếng đồng hồ, thu nhập bình quân người lao động 9 triệu đồng/tháng. Ông Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MSV cho biết, hiện công ty đã có đơn hàng đến cuối năm 2024. Từ đầu năm nay, công ty đã tăng 10% lương thực nhận cho người lao động và hiện tại công ty đang lập kế hoạch chuẩn bị cho đợt tăng lương cho đầu năm 2024, với mức tăng 20% lương thực nhận. Ban giám đốc và công đoàn công ty cũng đã thống nhất chốt phương án thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho người lao động. Đó là, tăng thêm 50% lương tháng thứ 13 cho toàn bộ công nhân lao động. Ngoài, ra công ty cũng phối hợp với công đoàn trao tặng mỗi đoàn viên, người lao động 1 suất quà tết trị giá 500 ngàn đồng.

Theo ông Lê Quý Hoàng, kết quả này có được là do tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2023 của công ty có nhiều khởi sắc, vượt 30% so với kế hoạch năm. Quan trọng hơn, ban giám đốc công ty, cụ thể là ông Furuta Shinya, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MSV luôn đặt nhiệm vụ nâng cao đời sống cho người lao động lên hàng đầu. “Ông Furuta Shinya luôn xem người lao động là tài sản quý giá của công ty và thể hiện bằng những quan tâm, chăm lo cụ thể cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Hoàng chia sẻ.

Năm 2023, Công ty CP Dệt may Huế là doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh đoạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì cộng đồng” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Để đoạt danh hiệu này, công ty vượt qua nhiều tiêu chí khắt khe. Công ty tạo được môi trường làm việc an toàn và thân thiện cho người lao động. Luôn tuân thủ pháp luật, đáp ứng đầy đủ và đúng theo quy định về Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn... Người lao động được trang cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, được tạo điều kiện tham quan, học tập tại các đơn vị trong nước cũng như nước ngoài, được đóng BHXH, BHTN, BHYT và bảo hiểm con người kết hợp ngay sau khi ký hợp đồng lao động. Người lao động được hưởng lương tháng 14 và được khen thưởng, động viên kịp thời bằng vật chất, tinh thần khi có những đóng góp vượt trội. Quan trong hơn, người lao động được đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề, được đối xử công bằng và tạo điều kiện để khẳng định và phát triển bản thân.

Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động cũng là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp công ty phát triển bền vững. “Nhận được sự trân quý, người lao động cũng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của doanh nghiệp. Mỗi năm, người lao động cống hiến cho công ty nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Phong nói.

Người lao động Công ty Phú Hòa An hăng say lao động

Người lao động Công ty Phú Hòa An hăng say lao động

Hơn một năm nay, có thời điểm Công ty CP Dệt may Phú Hòa An thiếu đến 80% đơn hàng. Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An cho biết, đây là tiền lệ công ty chưa từng gặp. Việc đầu tiên, người đứng đầu công ty nghĩ đến lúc đó là việc làm, thu nhập cho gần 2.000 người lao động. Tạm gác mọi tính toán lợi nhuận, ông kết nối, liên hệ ngay với các đối tác khách hàng khó tính trước đây, kể cả các đối tác không phải là mặt hàng sở trường, để đàm phán ký kết. Giải quyết được đơn hàng thiếu thốn trước mắt, chúng tôi tiếp tục họp bàn liên tục, phân tích thuận lợi, khó khăn, tìm cách duy trì đơn hàng dài hơi. Gần hai năm nay, chúng tôi tổ chức nhiều đoàn công tác, trực tiếp tìm gặp, thương lượng, thuyết phục đàm phán giá cả, số lượng với từng khách hàng một. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty không có mặt hàng gì là không làm được. Tuy lợi nhuận giảm nhiều, nhưng ban giám đốc công ty vơi được nỗi lo, áp lực việc làm, thu nhập cho người lao động. “Kể từ khi bị ảnh hưởng khó khăn chung do thiếu đơn hàng, công ty chúng tôi chỉ có tuyển thêm, chưa phải cắt giảm giờ làm, việc làm của người lao động”, ông Long tự hào. Đây cũng là điểm cộng để 2 năm gần đây, Công ty CP Dệt may Phú Hòa An đều đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” do Công đoàn Dệt may Việt Nam trao tặng.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, bị tác động nhiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lạm phát, song phần lớn đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực phục hồi sản xuất, tạo những bước phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nguồn công việc, thị trường ngoài những công việc, thị trường truyền thống; đã đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để họ có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu mới về công việc.

Trong chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân được tổ chức gần đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, với sự sáng tạo, nhiệt huyết, tầm nhìn và bản lĩnh, các doanh nhân, doanh nghiệp đang tiếp tục phát huy hiệu quá kinh doanh, nhanh chóng chuyển đổi loại hình, sản phẩm và dịch vụ trong bối cảnh mới; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/doanh-nghiep-vi-nguoi-lao-dong-136384.html