Doanh nghiệp Việt 'chết yểu' do lãi suất tiết kiệm cao?
Ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - cho biết: 'Mức lãi suất tiết kiệm cao như hiện nay là nguyên nhân chủ yếu làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động và phá sản, thị trường bất động sản đóng băng, nền kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái trì trệ…'.
Chi tiết lãi suất
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược cho hay, hiện mức lãi suất tiết kiệm của ngân hàng vẫn trên 9% là cao. Đây là mức cao gấp 2 lần lạm phát (lạm phát Việt Nam hơn 4%/năm).
Ông Lược cho biết, năm 2022 lạm phát ở Mỹ là 6%, lãi suất đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lên 5%, nghĩa là vẫn thấp hơn mức lạm phát. Các nước châu Âu có mức lạm phát cao tới 8,5%, nhưng ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chỉ dám tăng lãi suất lên 3,2% thấp xa so với lạm phát.
"Có thể nói mức lãi suất tiết kiệm cao như hiện nay là nguyên nhân chủ yếu làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động và phá sản, làm cho thị trường bất động sản đóng băng, làm cho nền kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái trì trệ …", ông Lược nói.
Theo đó, ông Lược cho rằng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nên điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại theo hướng kiểm soát lãi suất tiết kiệm ở mức cao hơn chỉ số lạm phát ở mức phù hợp, không thể quá cao như hiện nay. Vì lãi suất huy động tiết kiệm cao nên lãi suất cho vay cao, có ngân hàng cho vay lên tới 14- 15%/năm.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, ngày 26/4, ngân hàng có lãi suất huy động tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay là Ngân hàng Xây dựng (CB).
Ở kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động CB đang niêm yết là 9,45%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động 9,75%. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động 9,85%/năm.
SCB huy động 7,8% kỳ hạn 6 tháng; 7,85% kỳ hạn 12 tháng; 7,65% kỳ hạn 24 tháng.
NCB huy động 7,9% kỳ hạn 6 tháng; 7,95% kỳ hạn 12 tháng; 8,05% kỳ hạn 24 tháng.
DongABank huy động 6,9% kỳ hạn 6 tháng; 7% kỳ hạn 12 tháng; 7,3%/năm kỳ hạn 24 tháng.
VPBank huy động 12 tháng là 8,2%/năm với khách gửi online.
Trước đó, từ ngày 24/4, HDBank huy động 9% kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải gửi theo hình thức trực tuyến, nhận lãi cuối kỳ tại kỳ hạn 13 tháng.
Tương tự, ACB huy động 7,75%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm online số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên. Đối với số tiền thấp hơn, lãi suất là 7,45 - 7,55 - 7,65%/năm, tương ứng với các mốc tiền gửi 100 triệu - 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, với mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy là 7,2%/năm. Còn theo hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất áp dụng thường cao hơn 0,1 - 0,2 điểm %.
Tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân
Tại hội nghị về tín dụng ngày 25/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Thủ tướng đã họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nói thêm về nội dung được nêu ra trong cuộc họp với Chính phủ, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - thông tin, 4 ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. NHNN định hướng sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, mức giảm khoảng 1-1,5%/năm. Hiện tại kỳ hạn 12 tháng không còn nhà băng nào niêm yết lãi suất từ 9%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng lớn đã điều chỉnh về dưới 8%/năm.
Từ ngày 3/4, NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 0,5%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm.