Doanh nghiệp Việt chung tay phát triển kinh tế xanh

Kinh tế xanh - một khái niệm không còn xa lạ đang ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Với sự chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu hóa năng lượng và giảm phát thải, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển đổi, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Cửa hàng thời trang BOO cơ sở Cầu Giấy đang triển khai chiến dịch biến mỗi điểm bán thành “điểm đến xanh”. Không chỉ là nơi mua sắm, cửa hàng còn khuyến khích lối sống bền vững của khách hàng bằng việc thu đồ cũ, đổi phiếu giảm giá.

Chị Nguyễn Thùy Dương - Quản lý Cửa hàng thời trang BOO cơ sở Cầu Giấy, cho biết: “Với mong muốn mỗi điểm bán là một điểm đến xanh dành cho khách hàng, nơi khách hàng vừa có thể mua sắm vừa có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm xanh, BOO đã có những hoạt động thu gom đồ cũ, tái chế. Đối với 10 sản phẩm đồ cũ của khách hàng vẫn còn có thể sử dụng, chúng mình sẽ gửi khách hàng 1 voucher giảm 15%. Khi khách hàng từ chối sử dụng túi đựng thì BOO sẽ trích 2.000 đồng đó để nộp vào quỹ bảo vệ động vật hoang dã”.

Đơn vị sản xuất như nhà máy Heineken Việt Nam đang nỗ lực thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh khối. Tại đây, phế phẩm nông nghiệp vỏ cây, mủn gỗ được sử dụng để làm nguyên liệu đốt chính thay vì dầu diesel như trước đây.

Ông Đoàn Đức Nghĩa - Giám đốc nhà máy Heineken Việt Nam - Hà Nội, cho hay: “Hiện tại, Heineken Việt Nam đang sử dụng đến 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất và hoàn toàn không có rác thải chôn lấp. Qua đó chúng tôi đã giảm được 93% lượng CO2 phát thải ra môi trường so với năm 2018”.

Bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi mô hình của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng chung tay phát triển kinh tế bền vững bằng các giải pháp hạn chế phát thải và tối ưu hóa năng lượng bằng công nghệ cao.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh - kinh tế bền vững, cần sự chung tay và nỗ lực đồng lòng từ nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - chuyên gia kinh tế, nhận định: “Tôi nghĩ rằng phát triển bền vững là xu thế của thời đại. Các doanh nghiệp, đầu tiên phải có mô hình chuyển đổi xanh doanh nghiệp; thứ hai là phải có các mô hình kinh tế tuần hoàn, tức là sử dụng lại tất cả các nguyên liệu, các sản phẩm lâu nay bị vứt bỏ; thứ ba là nên đổi mới các mô hình kinh doanh, coi trọng việc sử dụng các vật liệu mới, những vật liệu phát thải ròng thấp. Chúng ta cũng nên sử dụng phương án tái chế, tái chế các sản phẩm lỗi thời hỏng. Chúng ta phải tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi các mô hình quản trị”.

Hành trình chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trong nền kinh tế bền vững toàn cầu. Nhưng để tạo nên một cú chuyển mình đồng bộ, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn từ mọi ngành nghề và cả người tiêu dùng.

Mai Ngọc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/doanh-nghiep-viet-chung-tay-phat-trien-kinh-te-xanh-285864.htm