Doanh nghiệp Việt còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Halal

Halal được đánh giá là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô, mức tăng dân số, chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng.

Ngày 31/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa Halal quốc tế. Đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN.

Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%) nhất là trong khối ASEAN, riêng Indonesia có tỷ trọng lớn dân số theo đạo Hồi.

Thị trường Halal còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt khai thác.

Thị trường Halal còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt khai thác.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Không những thế, việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, TP.HCM đã có thêm nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho người theo Hồi giáo. Trong đó, số lượng doanh nghiệp TP.HCM đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại sự kiện.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại sự kiện.

“Một trong những ví dụ điển hình là Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đã đưa vào hoạt động cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal tại TP.HCM từ năm 2019. Đây là cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM phục vụ trên 300 loại sản phẩm đạt chuẩn Halal như trái cây và thực phẩm chế biến, các loại thức ăn nhanh, hàng tiêu dùng, thời trang và quà lưu niệm”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng từ thị trường này, TP.HCM đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững theo như định hướng đã đề ra của Thành phố. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục có các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal đặc biệt là đối với lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi…

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-viet-con-nhieu-du-dia-de-khai-thac-thi-truong-halal-d202052.html