Doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế trong đổi mới sáng tạo theo hướng công nghệ xanh
Sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ và đòi hỏi về phát triển bền vững của thị trường buộc doanh nghiệp Việt phải đổi mới công nghệ, tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh, bền vững.
Đổi mới sáng tạo đi kèm với phát triển bền vững
Ngày 12/6, Diễn đàn Quốc tế về Kinh doanh sáng tạo - International Innovative Business Forum (IIBF) 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức với sự phối hợp thực hiện và điều phối của Trung tâm BSA, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), CIO Việt Nam.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt FTA thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có tác động ngày càng sâu rộng.
“Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Hiện nay, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ, đòi hỏi về phát triển bền vững… đã tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp để đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.
Đồng tình với ý kiến, ông Shashi J, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam cho rằng, ngày nay, sự đổi mới phải đi kèm với cam kết về sự bền vững, đó là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý.
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về ESG. Trong đó, 60% doanh nghiệp tiết lộ không có cơ cấu quản trị chính thức về vấn đề ESG, chỉ có 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu về thước đo về EGS”, ông Shashi J thông tin.
Cần quan tâm đến chuyển đổi xanh nhiều hơn
Theo báo cáo Chuyển đổi số 2023 và báo cáo của Ngân hàng thế giới về các quốc gia dẫn đầu chuyển đổi kép 2023, nhìn chung tỷ lệ sở hữu các sáng chế xanh và số của Việt Nam còn hạn chế.
Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Ngoài ra, Việt Nam chỉ sở hữu 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế số của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Mayalisa (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Về đầu tư chuyển đổi xanh, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lý Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh Becamex (Becamex IOC) chia sẻ: “Nếu như trước đây, nhà đầu tư khi vào khu công nghiệp quan tâm đến giá thuê, vị trí đất thì hiện nay doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến năng lượng tái tạo”.
Điển hình là các tập đoàn lớn như: Lego, Pandora… khi vào Việt Nam, họ yêu cầu toàn bộ hoạt động tại các nhà máy sản xuất phải sử dụng năng lượng tái tạo.
Về đầu tư chuyển đổi số, ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng giám đốc, Deloitte Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại, chẳng hạn như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.
Do đó, doanh nghiệp Việt cần chiến lược kinh doanh và chiến lược số rõ ràng, đưa văn hóa đổi mới sáng tạo vào tập thể người lao động, quan tâm đến trải nghiệm người tiêu dùng ở hai kênh trực tuyến và trực tiếp.