Doanh nghiệp Việt 'dấn bước' ứng dụng AI

Theo Báo cáo 'Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ 2023' do tổ chức Oxford Insights công bố, Việt Nam tăng điểm lần thứ 3 liên tiếp (54,48 điểm so với 53,96 điểm năm 2022 và 51,82 điểm năm 2021), vượt qua Philippines để leo lên vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN, tăng 1 bậc so với năm 2022. Với xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 59 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, cũng là năm thứ ba liên tiếp vượt qua mức trung bình toàn cầu.

Nhiều điển hình thành công

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định, AI đã đi vào tất cả các ngành công nghiệp. Tại Việt Nam, có 3 ngành AI sẽ tác động rất lớn là sản xuất; ứng dụng AI để thay đổi trải nghiệm khách hàng; và an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý giao thông trong môi trường đô thị. Bên cạnh đó, ứng dụng AI trong y tế cũng là thị trường tiềm năng.

Nhìn nhận về sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã có những bước đi sớm, nhanh chóng nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn lực nghiên cứu, phát triển các giải pháp sản phẩm cụ thể cho AI như Viettel, FPT, VNPT, VinAI…

Trong lĩnh vực ngân hàng, mới đây ngân hàng số Cake by VPBank vừa được The Asian Banker trao tặng giải thưởng Best AI Technology Implementation (Ngân hàng AI tốt nhất) đặt mục tiêu trở thành “Next Gen AI Bank” trong 3 năm tới. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của Cake, hướng đi là xác định nhóm khách hàng trọng tâm và dùng AI tạo sinh để cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hóa chi phí. Ứng dụng này hiện phục vụ tới 4,1 triệu người dùng và huy động được gần 6000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân.

Thành công của Cake đến từ định hướng phân khúc người dùng số ngay từ khi bắt đầu. Nhờ công nghệ AI, Cake được đánh giá làm khá tốt khẩu hiệu "Dễ như Cake" với trải nghiệm liền mạch, dễ dùng trên ứng dụng. Chẳng hạn, khách hàng chỉ mất chưa tới 2 phút đăng ký để sử dụng một dịch vụ tài chính bất kỳ trên Cake, rút ngắn hơn rất nhiều so với mô hình tài chính truyền thống.

Ngân hàng số Cake hiện có hơn 4,4 triệu người dùng

Ngân hàng số Cake hiện có hơn 4,4 triệu người dùng

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại Việt Nam gần đây cũng tích cực ứng dụng AI tạo sinh (GenAI). Nghiên cứu do hãng công nghệ thanh toán Visa mới công bố cho biết, nhiều đơn vị bán lẻ đang tích cực ứng dụng để mang đến trải nghiệm mua sắm mới cho người dùng, từ đó thúc đẩy doanh thu. Sự tích cực này đến từ việc có đến 86% khách hàng được hỏi tại Việt Nam nói từng biết đến ứng dụng GenAI trong bán lẻ.

Các lý do chính nó được ủng hộ, như cho biết nơi có giá tốt, tìm kiếm và cung cấp thông tin sản phẩm, tóm tắt và gợi ý mua sắm nhanh, cũng như hỗ trợ tư vấn xu hướng mới. "Các nhà bán lẻ đang chào mặt hàng gần với nhu cầu cá nhân hóa hơn và đứng đằng sau nó là các ứng dụng GenAI", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết.

Vẫn còn nhiều rào cản, thách thức

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu công bố đầu năm nay của PriceWaterhouse Coopers (PwC), 41% CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gồm khảo sát tại Việt Nam) thừa nhận chưa áp dụng GenAI tại công ty trong 12 tháng qua, nhưng nhiều CEO lạc quan về triển vọng của công nghệ này trong một năm tới. Hơn hai phần ba dự đoán GenAI sẽ tác động đáng kể đến công ty, lao động và thị trường của họ trong 3 năm tới.

Nhưng, GenAI cũng có điểm trừ khi doanh nghiệp ứng dụng nó. Khi đánh giá rủi ro liên quan đến GenAI, PwC cho biết các CEO châu Á - Thái Bình Dương lo ngại về rủi ro an ninh mạng gia tăng (49%), lan truyền thông tin sai lệch (44%).

Bà Đặng Tuyết Dung đặt vấn đề về "đạo đức dữ liệu", khi một số người dùng chưa thực sự thoải mái trong trường hợp các tổ chức thu thập dữ liệu của họ để dùng cho AI. "Do đó, vấn đề đạo đức dữ liệu phải được cam kết, khung pháp lý của Việt Nam cũng cần chi tiết, rõ ràng hơn", bà Dung nói.

Một khía cạnh khác là ứng dụng AI tại doanh nghiệp đòi hỏi phải bắt đầu từ tư duy nhà lãnh đạo. Thạc sĩ Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng Ban ứng dụng AI Tập đoàn Viettel cho rằng, ứng dụng AI vào doanh nghiệp là một quá trình dài, các mô hình sẽ cần liên tục đào tạo để trở nên thông minh hơn và đáp ứng hiệu quả nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, lãnh đạo phải là những người có tầm nhìn xa.

Theo dự báo của PwC, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới. Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo.

Hay một thách thức khác, theo ông Hải, công nghệ không chỉ có mô hình, nó đặt ra bài toán may đo cho từng doanh nghiệp, cho việc xây dựng dữ liệu, quy trình... Vì vậy, mô hình dù rất tốt nhưng đầu vào chưa tốt cũng không mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thách thức cũng đến từ chất lượng nguồn nhân lực. Khảo sát Chuyển đổi Kỹ thuật số BDO nhấn mạnh tự động hóa sẽ cho phép lực lượng lao động tập trung vào công việc chiến lược. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các công nghệ AI sẽ đòi hỏi nỗ lực thích ứng từ phía lực lượng lao động để sử dụng hiệu quả các công cụ tiên tiến này. Nếu không có sự chuẩn bị và đào tạo đầy đủ, các doanh nghiệp có nguy cơ không tận dụng đầy đủ các lợi ích tiềm năng của AI hoặc gặp phải sự kháng cự và mất năng suất. Thành công của AI không chỉ nằm ở sức mạnh tính toán, mà còn nằm ở con người trong thiết kế, vận hành và sử dụng.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-viet-dan-buoc-ung-dung-ai-154109.html