Doanh nghiệp Việt định hướng tiêu dùng xanh qua các sản phẩm bền vững

Sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên cho các sản phẩm thời trang, nhiều hãng thời trang Việt đã xanh hóa sản xuất và tiêu dùng theo cách riêng.

Thúc đẩy thông điệp xanh qua các chất liệu từ thiên nhiên

Các chuyên gia tính toán rằng, hơn 500 tỷ USD giá trị bị mất mỗi năm do sử dụng quần áo không đúng mức và không tái chế. Tình trạng này không chỉ bất lợi cho xã hội và môi trường mà còn khiến các công ty thời trang phải tính đến chi phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận…

Có thể nói, doanh nghiệp Việt, nhất là trong lĩnh vực thời trang, cập nhật xu hướng khá nhanh. Do yêu cầu của thị trường xuất khẩu cộng với nhu cầu muốn bảo vệ môi trường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc - dệt sợi - thiết kế đã sử dụng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, tái chế hoặc có cách thức dệt, nhuộm ít tốn nước, không dùng hóa chất để làm áo quần, váy vóc.

May Nhà Bè với dòng sản phẩm được sản xuất từ vải có nguồn gốc từ tre. Ảnh: Thu Hường

May Nhà Bè với dòng sản phẩm được sản xuất từ vải có nguồn gốc từ tre. Ảnh: Thu Hường

Đầu tiên phải kể đến Tổng Công ty CP May Nhà Bè với dòng sản phẩm sơ mi nam sử dụng loại vải dệt từ sợi của cây tre còn gọi là “Bamboo fiber” đã thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp dệt may và thời trang thế giới, làm dấy lên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Đây là loại sợi thiên nhiên, quá trình sản xuất hầu như không cần sự can thiệp của hóa chất rất nên thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng.

Tương tự như vậy, Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến có dòng sơ mi làm từ xơ hoa hồng - bằng cách nghiền cánh hoa hồng thành bột và hòa tan trong dung môi chuyên dụng, Owen có áo sơ mi sợi bạc hà, Yody có áo polo từ sợi cà phê, Rabity dùng vải sợi tre may đồ ở nhà cho em bé…

Nhìn vào mặt bằng chung, có thể thấy sự ứng dụng các loại vải thân thiện với môi trường của doanh nghiệp lớn còn nằm ở dạng thử nghiệm là chủ yếu, do giá thành của chúng vẫn còn cao và cần thời gian để “giáo dục” thị trường.

Đại diện May Việt Tiến cho biết: Chúng tôi định hướng "xanh hóa" thời trang thông qua sự đa dạng chất liệu thiên nhiên, đồng thời, phát triển mẫu mã theo nhu cầu của người tiêu dùng.

"Chất liệu xanh không đơn thuần là xu thế, mà còn là linh hồn của bộ trang phục, giúp phái mạnh có thể kết nối với chính mình, khẳng định gu thẩm mỹ và phong cách thời trang", vị đại diện nói thêm.

Bên cạnh đó, Việt Tiến ra mắt nhiều dòng chất liệu gần gũi với thiên nhiên, phân phối rộng rãi tại các hệ thống cửa hàng, đại lý nhằm tăng cường nhận thức về lĩnh vực này. Từ đó, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời, được khuyến khích tiêu dùng thông minh, đảm bảo tính bền vững trong các lựa chọn thời trang.

Xuyên suốt hành trình xây dựng phong cách và nỗ lực thúc đẩy thông điệp xanh, Việt Tiến sử dụng nhiều loại chất liệu vải thân thiện với môi trường, được làm từ hoa hồng (sợi hoa hồng), sen (sợi sen), tre (sợi tre), cotton (sợi bông), linen (sợi đay)...

Bên cạnh sản phẩm thời trang được làm từ hoa hồng, sợi sen cấu tạo nên từ quá trình tích hợp của bột hạt sen và bột lá sen. Nhờ cấu trúc sợi rỗng, bộ sưu tập vải sợi sen của Việt Tiến có khả năng hút ẩm, thoáng khí, kháng khuẩn, dễ ủi, giúp cân bằng độ ẩm,. Loại sợi vải tre ứng dụng công nghệ sinh học được chiết xuất từ cây tre, đảm bảo sự thoải mái, dễ chịu, hút ẩm cao và giữ được sự chỉn chu qua nhiều lần giặt cho người dùng.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm với chất liệu tự nhiên có tính năng đột phá để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng hơn. Đây là tôn chỉ Việt Tiến chưa bao giờ đi lệch hướng sau nhiều năm bước vào hành trình bền vững", đại diện May Việt Tiến nhấn mạnh.

Biến bã cà phê, tre, bạc hà, sơ dừa… thành thời trang cao cấp

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink) cho biết, hành trình đưa vải sợi cà phê gần hơn với thời trang Việt Nam của Faslink khởi đầu từ năm 2017 khi hợp tác nghiên cứu cùng Singtex - đơn vị cung cấp vải sợi "xanh" hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc), để ra mắt sản phẩm áo sơ mi cà phê đầu tiên trên thế giới và thương mại hóa tại Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2023 là thời kỳ phát triển của vải sợi S.Café khi Faslink liên kết với các đối tác dệt may nội địa, ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi S.Café cho các sản phẩm vớ, jeans, quần tây…

Khát vọng lớn hơn, tận dụng lợi thế xuất khẩu thứ 2 thế giới và tiêu thụ hơn 2,5 triệu túi cà phê của Việt Nam, Faslink hướng đến mục tiêu sử dụng nguồn nguyên liệu bã cà phê nội địa để sản xuất vải sợi cà phê trong nước thông qua việc hợp tác với các viện nghiên cứu uy tín, thực hiện các thử nghiệm nghiêm ngặt để mang lại giá trị bảo vệ sức khỏe cho người dùng. Tính đến nay, công ty đã cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...

Công thức để tạo ra vải từ bã cà phê của Faslink (Ảnh Faslink cung cấp)

Công thức để tạo ra vải từ bã cà phê của Faslink (Ảnh Faslink cung cấp)

Theo ông Võ Thành Phước- Trưởng phòng R&D của Faslink, sau 14 năm nghiên cứu và phát triển, hiện Faslink có 5 loại sợi vải xanh từ tự nhiên, bao gồm: Sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại. “Trước đây, để bán một sản phẩm vải có nguồn gốc từ tự nhiên, chúng tôi phải mất tới 6 tháng để thuyết phục đối tác, nhưng nay thời gian đó đã rút ngắn rất nhiều. Hiện tại, giá của các loại vải có nguồn gốc tự nhiên vẫn cao hơn các loại vải có nguồn gốc nhân tạo; tuy nhiên, theo thời gian, khi công nghệ phát triển hơn và sản xuất số lượng lớn hơn, thì giá thành có thể sẽ được hạ thấp”, ông Phước nhận định.

Ngoài Faslink, Greenyarn - Bảo Lân cũng là một doanh nghiệp đầu tư nhiều tâm huyết vào ngành sợi sinh học. Tháng 7/2022, thương hiệu đã ra mắt sợi làm từ tre, ngoài ra Greenyarn còn bán sợi cotton organic, sợi tencel từ gỗ sồi, sợi kết hợp thêm bột gỗ, sợi cà phê, sợi tái chế… Từ năm 2019 - 2022, thương hiệu này cũng đã sản xuất hơn 50.000 đôi vớ hàng ngày và thể thao từ các nguyên liệu tái chế như chai nhựa và xuất khẩu sang Mỹ, Singapore, New Zealand.

Trong khi đó, Santino - thương hiệu thời trang nam cao cấp được thành lập từ năm 2014, luôn đưa tới tay người tiêu dùng Việt những bộ sưu tập (BST) thời trang làm từ chất liệu bền vững và an toàn cho người dùng. Trong nhiều năm trở lại đây, đứng trước sự báo động của ngành công nghiệp dệt may, nhãn hàng thời trang Santino bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng "xanh hóa", tức là dần loại bỏ những chất liệu trong thời trang nhanh như làm từ nhựa, chất tổng hợp mà thay thế bằng chất liệu từ thiên nhiên như sợi tre, lá dứa, cà phê, ngải cứu, bạc hà...

Năm 2021, nhãn hàng Santino lần lượt cho ra mắt hàng loạt bộ sưu tập dựa trên vải sợi tre, sợi coolmax eco... cho các dòng áo sơ mi, áo phông và quần âu công sở. Đây được coi là một bước đi táo bạo, đánh dấu hành trình xanh hóa thời trang của nhãn hàng này.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-viet-dinh-huong-tieu-dung-xanh-qua-cac-san-pham-ben-vung-341615.html