Doanh nghiệp Việt đón đầu xu hướng Net Zero: Cần cải tiến chuỗi cung ứng xanh
Để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy 'xanh hóa' nền kinh tế và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần sự vào cuộc của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp.
Cuộc đua của doanh nghiệp
Tại hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) cho Việt Nam vào năm 2050.
Trước thông điệp này, các doanh nghiệp cho rằng cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất chính là ba bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero. Chính vì thế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng việc trồng cây, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường.
Bắt đầu từ năm 2020, đại diện Tập đoàn Nestlé thông tin doanh nghiệp đã công bố lộ trình Nestlé Net Zero, kể từ đó chuyển đổi hoạt động kinh doanh và bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên cả ba phạm vi hoạt động. “Năm 2023, chúng tôi chính thức khởi động sáng kiến nông lâm kết hợp trồng 2,3 triệu cây xanh tại Tây Nguyên, đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây trên toàn quốc đến năm 2030, góp phần đạt Net Zero vào năm 2050”, đại diện tập đoàn chia sẻ.
Tương tự, sau khi công bố chương trình hành động Net Zero vào giữa năm 2023, Vinamilk liên tục triển khai các dự án nhằm cắt giảm dấu chân carbon cũng như duy trì, triển khai các hoạt động trồng cây xanh nhằm hình thành bể hấp thụ khí nhà kính, dự kiến trồng được 2-3 triệu cây xanh trong vài năm tới. Công ty này đặt mục tiêu cắt giảm 15% phát thải khí nhà kính vào năm 2027, khoảng 55% vào năm 2035 và tiến đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cũng bước vào cuộc đua, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho biết tại nhà máy Vinanutrifood Bình Định, doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng việc giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu thô và chất thải, thông qua việc tái sử dụng và tái chế các chất thải thành các sản phẩm mới, sử dụng năng lượng tái tạo từ pin mặt trời, giảm thiểu phát thải CO2.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất cũng đã sớm lắp đặt những hệ thống điện mặt trời mái nhà để theo kịp cuộc đua xanh hóa, giảm lượng phát thải. “Con đường phát triển năng lượng xanh còn nhiều chông gai nhưng chúng tôi sẽ kiên định theo đuổi vì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học đang cạn kiệt…”, ông Trần Văn Nhơn, Giám đốc Công ty Intech Energy Việt Nam nói.
Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho hay bình quân một năm trước đây doanh nghiệp sử dụng 1.500 tấn than đá thì nay chuyển hoàn toàn sang dùng nguyên liệu sinh khối, điện hoặc gas. Điều này góp phần đáng kể trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính, ước tính giảm khoảng 3.500 tấn khí thải CO2/năm.
Chi phí tốn kém nhưng cần thiết
Việc theo đuổi mục tiêu Net Zero sẽ làm hao hụt phần nào tài chính của các công ty cũng như gặp không ít thách thức trong quá trình thực hiện. Ông Mạnh Hà lấy ví dụ, việc cung ứng điện từ năng lượng điện mặt trời mái nhà chỉ đáp ứng được tối đa 30% so với lượng điện mà tổng công ty đang có nhu cầu tiêu thụ, sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Có những địa phương, chúng tôi xin làm các thủ tục mất thời gian rất lâu, do cách hiểu của địa phương, các ban ngành ở một số nơi không giống nhau. Do đó, chúng tôi mong các chính sách cần thống nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, vì thời gian là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư nhanh chóng có hiệu quả”, Giám đốc điều hành May 10 kiến nghị.
Ngoài ra, ông Mạnh Hà cũng kỳ vọng sớm có cơ chế, chính sách về đơn giá cũng như phương thức mua bán điện trực tiếp giữa người sử dụng điện như May 10 đối với những nhà sản xuất nguồn năng lượng sạch để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hơn nữa tỷ trọng năng lượng sạch, năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế xanh.
Còn theo Giám đốc Intech Energy Việt Nam, đầu tư chi phí ban đầu cho một hệ thống năng lượng tái tạo, ví dụ như điện năng lượng mặt trời cần vốn cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để có thể tính toán đầu tư ngay từ giai đoạn đầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI rất lo ngại về vấn đề pháp lý, nếu không có sự hướng dẫn rõ ràng về chuyển đổi năng lượng.
Một vấn đề nữa theo vị giám đốc, không phải tất cả các doanh nghiệp có thể hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi năng lượng trong sản xuất, nhất là chuyển đổi sang năng lượng xanh.
“Chúng tôi cho rằng cần cập nhật kiến thức cho từng lãnh đạo các doanh nghiệp, cá nhân để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng xanh, giúp giảm phát thải ra môi trường, mang lại cơ hội cho phát triển bền vững”, ông Trần Văn Nhơn đề xuất.
Cần cải tiến chuỗi cung ứng xanh
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng đối với doanh nghiệp, việc đón đầu xu hướng Net Zero là một yêu cầu cấp thiết và cũng là một cơ hội để cải thiện hình ảnh thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế xanh.
Theo bà Hằng, các doanh nghiệp có thể thực hiện những bước đi quan trọng như đánh giá và giảm thiểu phát thải carbon. Doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách tiến hành đánh giá lượng phát thải carbon hiện tại và từ đó xác định các biện pháp giảm thiểu. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng trong sản xuất và giảm thiểu chất thải.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quy trình sản xuất và vận hành. Đồng thời, đầu tư vào các nghiên cứu phát triển (R&D) về sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng bền vững, bao gồm việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và tăng cường trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR).
Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam kiến nghị cần cải tiến chuỗi cung ứng xanh, đảm bảo rằng các nhà cung cấp và đối tác của doanh nghiệp cũng thực hiện các biện pháp giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần minh bạch trong việc báo cáo các mục tiêu phát thải và những hành động cụ thể đã thực hiện để đạt được mục tiêu Net Zero. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín mà còn tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế xanh.