Doanh nghiệp Việt dồn toàn lực thay đổi để vượt 'bão COVID-19'

Trong bối cảnh phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, những tấm gương vượt khó của các doanh nghiệp nhỏ sẽ là bài học, tiếp thêm sức mạnh cho cả cộng đồng cùng chung tay 'vượt bão COVID-19.'

Người thợ (Nga Sơn, Thanh Hóa) đang đan sản phẩm cói xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Người thợ (Nga Sơn, Thanh Hóa) đang đan sản phẩm cói xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến đời sống, kinh tế-xã hội toàn cầu chao đảo. Trong bối cảnh bị dồn vào chân tường, các doanh nghiệp Việt dù bé nhỏ cũng phải gồng mình để tìm cách vươn lên.

Dù kinh tế được dự báo sẽ phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn khi các biến thể của SARS-CoV-2 lây lan mạnh tiếp tục là thách thức, song những tấm gương vượt khó của các doanh nghiệp nhỏ sẽ là bài học, tiếp thêm sức mạnh cho cả cộng đồng cùng chung tay “vượt bão.”

Bài 1: Đối mặt hay bị ‘chết chìm’?

“Đại dịch COVID-19 diễn ra nằm ngoài dự đoán và gây khó khăn cho cuộc sống, cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của vô số doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi,” bà Mai Thị Anh Đào, Giám đốc phát triển kinh doanh-Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang nhớ về quãng thời gian hơn bảy trăm ngày vượt “bão” thành công cùng hơn 600 phụ nữ ở vùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa.

Khó trăm bề

Kết nối việc làm cho hơn hàng trăm phụ nữ là thợ đan, nghệ nhân, thợ chế biến nguyên liệu cho nghề đan cói thủ công, thị trường chính của doanh nghiệp Việt Trang là châu Âu, Mỹ, Australia…. Do đó, ngay từ khi đại dịch bắt đầu (năm 2020), những “cánh cửa” thị trường xuất khẩu lập tức đóng lại.

“Khách hàng dừng và hủy đơn hàng khiến sản phẩm tồn ứ trong kho; công ty không nhận được đơn hàng mới đồng thời mọi hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng (như hội chợ, gặp gỡ đối tác) đều bị trì hoãn, gián đoạn,” bà Đào nhớ về “đợt bão” đầu tiên do COVID-19 đổ tới.

“Kiếp nạn” này chưa qua, thì “kiếp nạn” khác ập đến, sáu tháng sau, một thách thức to lớn hơn xuất hiện: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

“Cước vận tải biển tăng vài giá/ngày, đỉnh điểm tăng lên gấp 10-15 lần so với thời điểm trước dịch. Chưa hết, tại cảng biển, hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu container rỗng, phải giành giật, chờ đợi từng chiếc container và tình trạng kéo dài từ tháng này sang tháng khác, không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại,” bà Đào nói.

(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Trên thực tế, đây là tình trạng chung diễn ra tại hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước, khi dịch COVID-19 kéo về, từng đợt “bão” chồng “bão” gây ra hàng loạt khó khăn cản trở sản xuất, từ việc nguyên liệu tăng giá, doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, nhà xưởng phong tỏa cục bộ, giãn cách xã hội kéo dài…

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ khảo sát của VCCI cho thấy gần 94% doanh nghiệp bị chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch và khiến 91% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô lao động.

“Trong đó, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu tiếp tục giảm so với những năm trước. Nguyên nhân được 96% doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ ra là các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng…,” ông Phòng nói.

Đối mặt hay buông bỏ?

Từ tháng 7-8/2021, dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam bước vào giai đoạn căng thẳng đòi hỏi phải sử dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khiến khó khăn “trùng trùng” và lan ra khắp cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, duy trì sản xuất-kinh doanh với những mô hình mới, như ba tại chỗ, một cung đường-hai điểm đến, ba xanh...

“Thiên nga đen - là cụm từ mà nhiều doanh nghiệp dùng để gọi về sự kiện khủng hoảng xã hội khi dịch COVID-19 bùng phát,” bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ nhấn mạnh.

Trung tuần tháng 6/2021, khi COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam là thời điểm Gạo Ông Thọ phải đàm phán thu mua với người nông dân khi các vùng lúa hữu cơ đã lên xanh mướt và các vùng nguyên liệu khác đang chuẩn được gieo xạ trong vụ Hè-Thu.

 Doanh nghiệp Gạo Ông Thọ đang cân ghe lúa, tại vụ hè thu 2021, thời điểm tháng Tám dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng ở phía Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Doanh nghiệp Gạo Ông Thọ đang cân ghe lúa, tại vụ hè thu 2021, thời điểm tháng Tám dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng ở phía Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bà Thảo cho biết công việc cần làm ở thời điểm này là các cán bộ cùng chuyên gia phải liên tục đi thực tế lấy mẫu đất-mẫu nước thu thập gửi đi xét nghiệm, đưa thửa ruộng canh tác hữu cơ lên bản đồ vùng trồng. Song, những đợt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và nông dân yêu cầu phải hạn chế để đảm bảo giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Tất cả các hoạt động triển khai của công ty đã bị thay đổi từ hình thức trực tiếp qua trực tuyến.

Vì vậy, ban lãnh đạo Gạo Ông Thọ lập tức lên kế hoạch và bàn bạc với chuyên gia cũng như thuyết phục chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân sử dụng công cụ thực hiện hình thức họp Zoom.

“Sau hơn 1 tuần, cán bộ địa phương phối hợp sự hướng dẫn từ xa của doanh nghiệp đã hoàn thiện việc cài đặt và sử dụng thành thạo họp Zoom cho nông dân vùng lúa trồng hữu cơ và canh tác an toàn. Theo đó, những buổi triển khai tập huấn kỹ thuật và quy trình canh tác liên tục được triển khai qua Zoom để đảm bảo dự án không bị trễ mùa vụ,” bà Thảo chia sẻ.

Để duy trì sản xuất-kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp vẫn là đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty Hồ Tiêu Việt cho biết các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh “ba tại chỗ.” Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô nhà xưởng hạn chế, việc chuyển đổi và thêm công năng nhà xưởng phục vụ cho số lượng lớn công nhân viên ăn ở tại chỗ là điều vô cùng nan giải.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty Hồ Tiêu Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty Hồ Tiêu Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo bà Thương, điểm mấu chốt để vượt qua được khó khăn, doanh nghiệp phải có được sự đồng lòng từ trên xuống dưới và cùng chí hướng đồng thời đảm bảo tuyệt đối không để người lao động bị tổn thất về sức khỏe.

“Bài học cho doanh nghiệp từ đại dịch COVID-19 đó là: Xây dựng phương án dự phòng rủi ro tổng thể cho toàn công ty; Xây dựng phương án tài chính dự phòng rủi ro; Trao quyền gắn liền nghĩa vụ cho các cấp quản trị cấp trung nhiều hơn; Đa dạng hóa kênh bán hàng, hình thức bán hàng để đảm bảo doanh khu; Tăng cường các mối quan hệ xã hội, chính quyền, cơ quan đoàn thể địa phương,” bà Thương chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đào cho biết đứng trước những khó khăn, doanh nghiệp Việt Trang đã lựa chọn đối mặt, chọn kiên cường, tìm cách để tiếp thêm năng lượng từ quá trình “vượt bão.”

“Nhìn lại sau 2 năm đối phó với đại dịch, doanh thu xuất khẩu của Việt Trang tăng trưởng bền vững 200%/năm đồng thời mở thêm 5 thị trường mới và cho ra đời 3 bộ sưu tập với 150 thiết kế mới. Kết quả này có được không dựa vào may mắn mà là nhờ sự lựa chọn đúng đắn, sự vững tâm và sáng tạo của đội ngũ gần 30 nhân viên, 50 công nhân, 600 thợ đan,” bà Đào chia sẻ./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-viet-don-toan-luc-thay-doi-de-vuot-bao-covid19/767502.vnp