Doanh nghiệp Việt làm mới mình để đấu với Coca-Cola, Pepsi
Trước ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Đại dịch COVID-19 quét qua khiến các mô hình kinh doanh truyền thống gặp không ít khó khăn. Trước bối cảnh mới, các đại gia Việt Nam buộc phải làm mới mình, thành lập “liên minh kinh tế”, thay đổi mô hình để tồn tại và tiếp tục tiến về phía trước.
“Kinh tế liên minh” hậu dịch
Lần đầu tiên, hai đại gia lớn là Vinamilk và Kido, giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình, vừa bắt tay nhau. Qua đó hình thành liên minh nhằm xây dựng một đế chế ngành nước giải khát, thách thức ngôi vương các doanh nghiệp (DN) ngoại. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, thừa nhận kinh doanh ngày càng khó dưới bối cảnh phức tạp của thị trường thế giới lẫn đại dịch COVID-19.
Nêu một ví dụ cho điều này, bà Liễu cho biết việc giá dầu liên tục biến động buộc công ty phải tái cấu trúc hệ thống để đảm bảo việc kinh doanh ổn định và an toàn. “Chúng tôi nhìn thấy rằng cần có sự bắt tay, kết hợp giữa các DN để tạo năng lực cạnh tranh tồn tại trong thời kỳ có quá nhiều sự khó khăn. Do đó, Tập đoàn Kido đã quyết định sáp nhập Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF), nơi Kido đang nắm 65% vốn điều lệ” - bà Liễu nói.
Chưa hết, Kido còn bắt tay với Vinamilk xây dựng một liên danh trong ngành nước giải khát với tên gọi là Vibev. Thực tế, lâu nay trong ngành hàng nước giải khát, các đại gia ngoại như Coca-Cola, Pepsi hay các ông trùm Nhật, Thái… tham gia rất mạnh mẽ. Do vậy, với việc hai đại gia Việt liên minh với nhau tạo kỳ vọng cạnh tranh ngang bằng và xây dựng nên ngành nước giải khát thương hiệu Việt đình đám. Đặc biệt, việc hợp lực này còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu nước giải khát thương hiệu Việt.
Không có gì là bất biến
Nhiều đại gia thừa nhận dịch COVID-19 đã đem đến kinh doanh nhiều yếu tố bất ngờ không thể đoán định. Không ai lường được hết hậu quả nhưng hiện thực đã thấy rằng nó làm chuỗi cung ứng gãy đổ, tê liệt, làm cho nhiều ngành hàng không còn tồn tại, phá sản.
Đồng thời, dịch bệnh đã dẫn đến thói quen, hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Từ đó, các DN buộc phải thay đổi mô hình cho phù hợp hành vi tiêu dùng mới, tăng năng lực cạnh tranh để tồn tại trên thị trường.
Là người lãnh đạo in dấu ấn với thương hiệu vàng nữ trang PNJ và dẫn dắt thương hiệu này vươn lên vị thế hàng đầu trên thị trường, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), rất tỉnh táo trước các biến động kinh doanh không ngừng.
“Trong suốt hai năm qua, chúng tôi tự hào liên tục tăng trưởng, tạo được vị thế vững chắc trên thị trường nhưng quả thật không có gì là bất biến. COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, buộc phải thay đổi thích nghi, thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng tình hình mới chứ không thể kinh doanh theo kiểu truyền thống nữa” - bà Dung nhấn mạnh.
Mục tiêu của bà Dung nhắm đến chính là tái tạo PNJ để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng và làm giàu được trong tương lai. “Việc tái tạo này đến từ việc tiếp cận cuốn sách rất hay của giám đốc điều hành Microsoft. Ông đã mô tả để khách hàng luôn nhìn mình thì phải liên tục tự làm mới mình. Chẳng hạn, trước đây PNJ là công ty sản xuất, có nghĩa là sản xuất ra sản phẩm và đi chào bán sản phẩm đó nhưng bây giờ sự đổi mới là sản phẩm đó phải là tiếng nói của thị trường, khách hàng” - bà Dung kể.
Bà Dung cũng cho rằng sự đổi mới sâu sắc mang tính cốt lõi, tức một văn hóa mới được cấy vào hệ điều hành của công ty là liên tục sáng tạo trong sản phẩm để khách hàng cảm thấy rằng luôn luôn lúc nào cũng có sự hấp dẫn.
Mô hình kinh doanh còn như trước?
Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới đây đã chính thức công bố triển khai dự án chuyển đổi số mang tên SABECO 4.0. Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco, khẳng định đây là một chương trình chiến lược nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên việc chuyển đổi số. Mục tiêu cuối cùng Sabeco muốn đạt được là tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa cách làm việc của tất cả đơn vị trên toàn quốc.
“Dự án SABECO 4.0 cũng phù hợp với định hướng chiến lược của Chính phủ về chuyển đổi số để chuẩn bị cho nền công nghiệp 4.0 và đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại” - ông Bennett Neo khẳng định.
Lãnh đạo PNJ cũng nhìn nhận tốc độ thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng diễn ra rất nhanh. Đó là chuyển dịch từ offline sang online, buộc DN phải biến hóa, thích ứng nhanh. “Rất may mắn, chúng tôi đã thực hiện việc chuyển đổi số hóa một thời gian dài trước đó, nếu không thì vừa rồi công ty không thể vượt qua sự khó khăn của kinh doanh”.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dẫn thống kê của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam cho thấy lượng khách hàng mới mua sắm online tăng đến 40% trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Nói cách khác, dịch COVID-19 đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống nhưng mặt khác đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.
Đây chính là cơ hội và cũng đồng thời là thách thức cho các DN truyền thống, buộc họ phải chuyển đổi hoặc hợp tác với các DN có thế mạnh về công nghệ. Thậm chí đã manh nha hình thành nhiều mô hình “kinh tế liên minh” ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử. Mục tiêu của việc liên minh là nhằm tìm cách tăng cơ hội tiếp cận nhanh với khách hàng, mở thêm thị trường mới.
Đồng loạt mở thêm kênh bán hàng mới
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam nhanh chóng cho ra mắt dịch vụ cung cấp thực phẩm tươi sống, giao nhanh. Theo đó, các sàn này bắt tay với các DN mở ngành hàng bán cá, rau, thủy hải sản.
Ngay cả các hệ thống siêu thị bán lẻ như Big C, Co.opmart, Lotte Mart… cũng không nằm ngoài cuộc chơi bán thực phẩm tươi sống online khi họ nhận ra nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang dần được mở rộng. Chưa kể, một loạt ứng dụng hoặc siêu ứng dụng khác như Be, Grab cũng triển khai thêm dịch vụ đi chợ hộ và nhận được phản hồi khá tốt.
Đáng chú ý, các nhà bán lẻ truyền thống không chỉ kết hợp với sàn thương mại điện tử mà còn mở thêm các kênh bán hàng mới như thông qua điện thoại, Zalo, Facebook…