Doanh nghiệp Việt làm pallet từ xơ dừa, vỏ cà phê, tải trọng đến 2 tấn

Pallet carbon âm tính làm từ xơ dừa, vỏ cà phê do AirX Carbon sản xuất đang được thí điểm trong hệ thống kho tự động của Coca-Cola, và bước đầu nhận được sự quan tâm của Hyosung, TTC...

Mới đây, công ty công nghệ khí hậu AirX Carbon đã giới thiệu NetZero Pallet thế hệ mới, sử dụng đến 95% phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, vỏ cà phê..., đặc biệt không dùng gỗ, nhựa và không độc hại. Giải pháp này được chứng nhận hấp thụ carbon, với mỗi pallet có khả năng lưu giữ tới 34 kg CO2.

Theo ông Lê Thanh, nhà sáng lập kiêm CEO AirX Carbon và NetZero Pallet, giải pháp này sẽ giúp giảm 70% không gian kho bãi, đồng thời giảm 20-50% giá thành so với pallet truyền thống.

Sản phẩm đang được sản xuất tại nhà máy công nghệ cao của AirX Carbon tại tỉnh Bình Dương cũ, nay thuộc TP.HCM, với công suất 1,5 triệu pallet mỗi năm.

 Thị trường xuất hiện pallet được làm bằng xơ dừa, vỏ cà phê... Ảnh: AirX Carbon.

Thị trường xuất hiện pallet được làm bằng xơ dừa, vỏ cà phê... Ảnh: AirX Carbon.

Hiện, phiên bản nâng cấp được thí điểm trong hệ thống kho tự động của Coca-Cola Mỹ và bước đầu nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng như Olam, Hyosung, NPC Korea, Pakko Australia, TTC Group...

Thách thức lớn nhất hiện nay với sản phẩm này, theo ông Thanh, là nguồn cung xơ dừa, vỏ cà phê và các phế phẩm nông nghiệp khác chưa ổn định về sản lượng và giá cả, đặc biệt khi AirX Carbon hướng tới làm việc với các tập đoàn quốc tế nên cần chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Cũng nhận thấy những vấn đề phổ biến này với các sản phẩm "xanh", PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.

Ông cũng đề xuất có chính sách công nhận và lượng hóa các giá trị bền vững, ví dụ qua tín chỉ carbon, giúp các sản phẩm "xanh" gia tăng khả năng cạnh tranh.

Còn về tính ứng dụng thực tế, bà Thanh Phạm, Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam, đánh giá đây là một giải pháp khả thi và hữu ích. Như tại Heineken Việt Nam, với mục tiêu đạt Net Zero trong sản xuất vào năm 2030 và toàn chuỗi cung ứng vào năm 2040, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hành động cụ thể.

Riêng về logistics, vốn chiếm 20-30% tổng lượng phát thải của doanh nghiệp, bà Thanh cho hay Heineken đã sử dụng toàn bộ xe nâng điện và vận hành các nhà máy bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vấn đề phát thải từ mạng lưới vận chuyển và các pallet là "bài toán khó".

"Heineken không chỉ vận chuyển bia từ nhà máy đến các điểm tiêu thụ, mà còn cần thu hồi vỏ chai, lon bia. Hệ thống logistics vì thế rất phức tạp và cần các pallet có khả năng chống chịu, thích nghi tốt...", bà Thanh Phạm chia sẻ.

Thực tế, với NetZero Pallet, CEO Lê Thanh cho biết từ thế hệ đầu tiên chịu được tải trọng khoảng 600-800 kg, công ty đã phát triển thế hệ thứ hai với tải trọng 1,5-2 tấn. Ông lưu ý đây là tải trọng động khi pallet được vận chuyển bằng xe nâng với hàng hóa bên trên.

"Dự kiến trong vòng 3 tháng tới, chúng tôi sẽ ra mắt thế hệ thứ ba sử dụng 'siêu vật liệu' có thể thay thế gỗ thông 30 năm tuổi. Mục tiêu là đáp ứng các điều kiện vận hành khắc nghiệt trong kho vận, bao gồm khả năng chống va đập trực tiếp từ xe nâng và chịu được lực kéo toàn bộ kiện hàng nặng 4-5 tấn mà vẫn có thể tái sử dụng. Pallet thế hệ này cũng được thiết kế để có hình dáng giống pallet truyền thống, nhưng bền hơn và rẻ hơn", ông Thanh tiết lộ.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-viet-lam-pallet-tu-xo-dua-vo-ca-phe-tai-trong-den-2-tan-post1566493.html