Vượt nắng, xuyên đêm trên công trường Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Gần 1.000 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Lilama 10 đã nhiều ngày nay túc trực trên công trường, thực hiện thi công '3 ca, 4 kíp', xuyên đêm 24/7, không có ngày nghỉ, ngày lễ để đảm bảo các mốc tiến độ của dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng theo đúng cam kết với chủ đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 6/7, chiếc rotor có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát điện tổ máy số 1 (công suất 240MW) Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được những người thợ lắp máy Công ty cổ phần Lilama 10 lắp đặt chính xác vào vị trí, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án này vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 theo đúng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có được thành công này là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của hàng nghìn cán bộ, công nhân lao động đã vượt nắng, xuyên đêm trên công trường.

Gần 1.000 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Lilama 10 đã nhiều ngày nay túc trực trên công trường, thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp”, xuyên đêm 24/7, không có ngày nghỉ, ngày lễ để đảm bảo các mốc tiến độ của dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng theo đúng cam kết với chủ đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Công trường Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Công trường Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Kỹ sư Tạ Trọng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Công ty CP Lilama 10 là người trực tiếp chỉ đạo thi công xây lắp phần tổ máy này chia sẻ bằng tất cả niềm xúc động khi hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, bởi đây là cột mốc tiến độ quan trọng trong quá trình lắp đặt thiết bị và hoàn thiện tổ máy.

"Đối với Lilama 10, dự án này thực sự là một áp lực và khó khăn rất lớn về tiến độ thi công gấp rút. Vậy nên, đội ngũ của Lilama 10 đã rất quyết tâm và huy động tối đa nguồn lực của Công ty. Từ những cán bộ có năng lực kinh nghiệm, và huy động với số lượng đảm bảo thi công 24/24 để đạt được kết quả. Tuy thời gian cực kỳ ngắn, nhưng đến thời điểm này đã đạt được mốc như mong muốn, cũng là nỗ lực từ phía lãnh đạo cho đến tất cả đồng lòng của tập thể" - Ông Tạ Trọng Vinh nói.

Kỹ sư Tạ Trọng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Công ty CP Lilama 10

Kỹ sư Tạ Trọng Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Công ty CP Lilama 10

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ máy đầu tiên của dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (có công suất 240MW) sẽ phải hoàn thành phát điện vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9. Thời gian chỉ còn hơn một tháng.

Lắp đặt thành công Rotor - nghĩa là trái tim của tổ máy số 1 đã sẵn sàng đập, khối lượng công việc đã hoàn thành được 85%. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ phát điện của tổ máy 1 trong tháng 8 và tổ máy 2 vào cuối năm nay thì cùng với tập thể cán bộ kỹ sư, công nhân của Lilama 10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Xây dựng 47 - thuộc liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu “Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng” - gói thầu lớn nhất của toàn bộ dự án cũng đang miệt mài làm việc xuyên đêm trên công trường.

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Liên danh các nhà thầu chia sẻ: "Sau khi lắp đặt xong Tổ máy 1 thì liên danh nhà thầu chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt tổ máy 2. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn EVN và đại diện chủ đầu tư thì chúng tôi xác định ngày 19/8 sẽ đủ điều kiện để phát điện Tổ máy 1.

Khối lượng công việc còn lại cũng rất lớn. Liên danh sẽ tập trung giải quyết các công việc cơ bản. Ví dụ, phần công tác lắp các thiết bị thì hiện nay là nhà thầu Lilama 10 đã huy động đủ nguồn lực thi công 3 ca 4 kíp để phù hợp với điều kiện thời gian còn lại; đối với nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thì giải quyết các công việc tập trung cho đào và gia cố kênh xả".

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Liên danh các nhà thầu

Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Liên danh các nhà thầu

Tất cả đang dồn sức cho công trường để đảm bảo tiến độ về đích. Đại diện chủ đầu tư - ông Phạm Hồng Phương Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá cao sự nỗ lực của Liên danh nhà thầu cũng như các đơn vị tham gia thi công trên công trường, nhất là với Thủy điện Hòa Bình mở rộng - một công trình thủy điện lớn, phức tạp, thi công trong lòng thành phố Hòa Bình (nay là phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ).

"Đây là dự án thủy điện mở rộng lớn nhất của Việt Nam với quy mô 2 tổ máy mỗi tổ máy là 240MW sẽ hoàn thành trong năm nay. Để có được thành quả ngày hôm nay thì toàn bộ các lực lượng từ EVN là chủ đầu tư, Ban quản lý dự án điện 1 là đơn vị thay mặt cho chủ đầu tư để điều hành dự án này, rồi tất cả lực lượng liên danh nhà thầu xây lắp và tất cả các lực lượng tham gia đều đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt 4 năm vừa qua và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức đến ngày hôm nay, mà đây là một mốc rất quan trọng.

Ngày hôm nay hạ được roto này là chúng ta đang khẳng định được một việc - thứ nhất là đến ngày 19/8 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ hòa lưới tổ máy 1 và trong năm 2025 này thì sẽ hoàn thành cả nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng" - Ông Phạm Hồng Phương cho biết.

Ông Phạm Hồng Phương Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Ông Phạm Hồng Phương Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Trong suốt hơn 4 năm qua kể từ khi khởi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (vào ngày 10/1/2021) đến nay, luôn có sự quan tâm động viên của các cấp công đoàn đến đội ngũ cán bộ, người lao động thi công trên công trường. Ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch công đoàn điện lực Việt Nam, cho biết: "Trong công trường, công đoàn và chuyên môn phát động phong trào thi đua ngay từ đầu. Chúng tôi cũng đặt ra các mốc tiến độ đối với các nhà thầu anh em cũng họp đặt ra các mốc tiến độ, từng mốc tiến độ một, từng giai đoạn 1, sau đó có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng. Đơn vị nào tốt chúng tôi khen thưởng.

Trong các phong trào thi đua này thì phải nói là cũng huy động tất cả các lực lượng thi công tham gia, từ Trường Sơn, Lilama - lắp máy, Công ty xây dựng 47, cán bộ, nhân viên ngành điện, Ban quản lý, tư vấn… rất nhiều các đơn vị tham gia vào các phong trào thi đua. Tổng Liên đoàn Lao động và Công đoàn điện lực cũng lên động viên rất nhiều lần".

Việc mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình với 2 tổ máy có tổng công suất 480 MW (2 x 240 MW) sau khi hoàn thành sẽ cho sản lượng phát điện trung bình hàng năm khoảng 490 triệu kWh cung cấp cho hệ thống điện quốc gia. Không chỉ vậy, còn giúp tăng khả năng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện Quốc gia và nâng cao khả năng khai thác vận hành kinh tế của nhà máy thủy điện Hòa Bình trong hệ thống.

Với một hệ thống điện ngày càng có nhiều nguồn điện từ năng lượng tái tạo (nhất là điện gió, điện mặt trời) là nguồn điện thiếu tính ổn định, việc tăng công suất nguồn điện từ thủy điện sẽ giúp nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện, qua đó giúp hệ thống điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục, thông suốt.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vuot-nang-xuyen-dem-tren-cong-truong-du-an-thuy-dien-hoa-binh-mo-rong-post1212780.vov