Doanh nghiệp Việt - Làm sao để 'lớn'?
97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam, kể cả DN thuộc khối nhà nước và tư nhân đều đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô hạn chế, năng lực yếu, tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường không cao… là những điểm yếu có tính hệ thống của DN, đã tồn tại nhiều năm qua.
Làm sao để DN Việt có thể lớn lên, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý như thế nào để hỗ trợ DN... những vấn đề này đã được “mổ xẻ” tại buổi tọa đàm được Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức vào ngày 12-10 nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Tọa đàm có các diễn giả: PGS-TS.Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; doanh nhân Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (UniGroup); doanh nhân Đặng Văn Điềm - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và khách mời đặc biệt là Phó bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng.
* Khi DN nhỏ... sợ lớn
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng:
Động lực của phong trào khởi nghiệp
“Doanh nhân trẻ Đồng Nai là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, dấn thân vào ứng dụng các mô hình phát triển DN mới. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai trở thành nơi tập hợp đông đảo đội ngũ doanh nhân và là cầu nối giữa chính quyền với DN. Chúng tôi mong muốn DN tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp, đồng hành cùng địa phương đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ cao”.
Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, có đến 97% DN Việt có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, và hầu hết trong số đó là DN siêu nhỏ. Hệ thống DN này theo ông Thiên là “không thể định nghĩa được, chớp mắt một cái họ đã biến mất không ai nhìn thấy, và điều này chỉ có ở Việt Nam”.
DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ áp đảo, chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất “khó lớn, chậm lớn” và cũng khó xây dựng thành lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn. Thực trạng một nền kinh tế như vậy, nguyên nhân theo
PGS-TS.Trần Đình Thiên là do vẫn còn có sự phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, đối xử khác nhau giữa các thành phần kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch khi chưa có chiến lược phát triển DN đúng nghĩa.
“DN đã nhỏ và siêu nhỏ rồi nhưng lại có nhiều DN khó lớn, chậm lớn và... sợ lớn. Có rất nhiều vấn đề từ thể chế, chính sách gây tác động đến tâm lý DN, tâm lý xã hội, phải cần một thời gian dài để giải quyết. DN sinh ra là để lớn lên, nhưng môi trường đầu tư, cơ chế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề bất cập làm trì nén sự trưởng thành của DN. Trách nhiệm của Nhà nước là phải làm sao để tháo gỡ vấn đề này và phải làm thường xuyên, liên tục” - PGS-TS.Trần Đình Thiên khẳng định.
Ở góc độ quản trị DN, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (UniGroup) nhận định, trong các yếu tố để DN phát triển thì những vấn đề nội tại như nguồn vốn, chiến lược phát triển, yếu tố con người chiếm khoảng 50%, còn lại là những yếu tố bên ngoài, từ môi trường xã hội, thể chế, chính sách…
“Yếu tố lớn nhất trước hết là tự bản thân DN, DN phải vượt qua được chính mình, có khát vọng phấn đấu, đưa DN Việt, thương hiệu Việt lớn lên cùng với thế giới. Nhưng đồng thời và song hành đó, chính sách hỗ trợ phải tốt, môi trường, thể chế, chính sách đi kịp với xu thế, nếu không sẽ làm cho DN tư nhân mất đi động lực phát triển” - ông Mai Hữu Tín khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho rằng DN Việt vừa nhỏ, đã yếu lại thiếu sự liên kết, do đó rất khó cạnh tranh được với các công ty nước ngoài ngay tại chính thị trường Việt Nam. “Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có 400 thành viên, 2 chi hội trực thuộc nhưng thực sự hoạt động liên kết, hỗ trợ hợp tác cùng nhau chưa cao, thậm chí còn cạnh tranh nhau thì làm sao so sánh được với DN nước ngoài khi họ vừa lớn mạnh về nguồn lực, vừa có mối quan hệ rộng lớn” - ông Điềm trăn trở.
* Chính quyền là “cổ đông tự động” của DN
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị UniGroup:
DN nhỏ hay lớn cũng đừng bao giờ ngừng tự học
“Thông điệp mà tôi muốn gửi đến cộng đồng doanh nhân trẻ Đồng Nai là đừng bao giờ ngừng học, dù DN của bạn có lớn đến mức nào. Phải luôn thay đổi vì thế giới thay đổi hằng ngày. Nếu chúng ta muốn DN của mình từ nhỏ thành lớn thì với việc học hỏi, phải dành thời gian thật xứng đáng. Trong ngày, chúng ta có 8 tiếng làm việc, 4 tiếng dành cho công việc cá nhân. Vậy, muốn sử dụng hiệu quả thời gian, tăng giá trị cho bản thân và doanh nghiệp thì phải dành ít nhất 2 giờ cho học hỏi, tư duy để tăng giá trị kiến thức của mình lên”.
Giải pháp để DN lớn lên, về phía Nhà nước, không cách nào khác là phải tiếp tục đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ “sợi dây” trói buộc DN, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, xác lập môi trường đầu tư minh bạch…
PGS-TS.Trần Đình Thiên cho rằng, những năm gần đây, nhận thức về vấn đề này đang có nhiều thay đổi để hướng tới DN nhiều hơn. Chính phủ đã xác định DN tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế và thực hiện nhiều cải cách, tiết giảm thủ tục hành chính. Chưa bao giờ tiếng nói của DN được chú ý như bây giờ. “Thủ tướng Chính phủ kêu gọi DN chủ động tham gia hiến kế, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. DN góp ý xây dựng chính sách chứ không phải đi xin, thậm chí DN cần phải gây áp lực đến chính quyền, nhà nước để thay đổi” - PGS-TS.Trần Đình Thiên khẳng định.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải thay đổi định hướng phát triển DN, cần một chiến lược phát triển lực lượng DN mạnh về “chất” chứ không phải đơn thuần chỉ phát triển về số lượng. Lực lượng DN này phải mạnh mẽ, có những “con chim đầu đàn” dẫn dắt và xung quanh là một hệ sinh thái DN, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Điều này trên thực tế Việt Nam đang yếu hơn nhiều so với ngay cả các quốc gia trong khu vực.
Đối với vấn đề này, ông Mai Hữu Tín cho rằng, trước hết, chính quyền cần thấy được vai trò là “cổ đông tự động” của mình trong bất kỳ công ty nào thì trách nhiệm hỗ trợ sẽ lớn hơn, hiệu quả hơn. “Nhà nước, chính quyền địa phương hưởng lợi từ sự phát triển của DN, ít nhất là “hưởng” 20% lợi nhuận từ thuế thu nhập DN. DN càng phát triển thì mức đóng góp cho ngân sách quốc gia ngày càng nhiều, chỉ khi chính quyền tự coi mình là một phần của DN thì động lực tháo gỡ khó khăn mới mạnh mẽ” - ông Tín đề xuất.
Ở góc độ chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, tỉnh luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong sản xuất, kinh doanh và điều này đã thực hiện lâu dài từ trước đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ chứ không phải chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận định, DN đang “đói” thông tin, mà cụ thể là các thông tin về thực thi pháp luật, quy định, thông tin quy hoạch, cơ chế chính sách… UBND tỉnh sẽ chú trọng công bố, minh bạch hóa thông tin nhiều hơn nữa để DN chủ động nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên về phía DN, ông Cao Tiến Dũng cũng mong DN cần phải chủ động thêm để nắm bắt các thông tin này.
“Đồng Nai khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng DN, nhưng bản thân chúng tôi cũng đang thiếu thông tin từ DN. Chúng tôi cần biết DN đang hoạt động thế nào, gặp những khó khăn, vướng mắc nào mà tỉnh có thể giải quyết được thì hãy nhanh chóng cho chúng tôi biết. Tỉnh cũng đề nghị DN, doanh nhân mà cầu nối là các hiệp hội, hội ngành nghề cần chủ động đề xuất giải pháp. Về cơ chế chính sách nào đang vướng mắc mà địa phương không giải quyết được thì tỉnh cũng cần nắm rõ để có những kiến nghị kịp thời lên Chính phủ. Ở góc độ địa phương, cần phải cho tỉnh biết được DN cần gì, thiếu gì, từ đó có thể tháo gỡ khó khăn một cách tốt nhất, thuận lợi nhất cho DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201910/doanh-nghiep-viet-lam-sao-de-lon-2968459/