Doanh nghiệp Việt loay hoay với chuyển đổi xanh, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lớn
Hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp Việt vẫy loay hoay thích ứng, thậm chí còn chưa hiểu chuyển đổi xanh là gì.
Áp lực từ thị trường quốc tế
Tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" ngày 19/2, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng trong việc theo đuổi con đường phát triển bền vững. Đây không chỉ là một lựa chọn mà là một hướng đi tất yếu, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế xanh toàn cầu.
Đặc biệt, áp lực từ thị trường quốc tế là một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ.
Nói sâu hơn về thách thức này, PGS TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các quy định nghiêm ngặt như thẻ vàng đối với thủy sản, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu đang đặt ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: NLĐO.
"Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, nguy cơ bị loại khỏi thị trường là rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Bài học từ ngành dệt may cho thấy rõ điều này", chuyên gia nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2022-2023, do chậm thực hiện các tiêu chuẩn xanh, ngành dệt may Việt Nam đã sụt giảm mạnh, trong khi Bangladesh – nhờ chuyển đổi kịp thời – vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Năm 2024, nhờ những bất ổn chính trị tại Bangladesh, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới có cơ hội phục hồi, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải lợi thế bền vững.
Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu chuyển đổi xanh là gì
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù thách thức từ thị trường quốc tế rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với chuyển đổi xanh.
Theo PGS TS Nguyễn Đình Thọ, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Lý do chính của tình trạng này là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi.
"Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Sự thiếu hụt thông tin và các chương trình đào tạo chuyên sâu đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng", chuyên gia nêu.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cũng nhìn nhận, mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng suy ngẫm. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA). Ảnh: NLĐO.
Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Trong khi đó, chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Ngoài ra, công nghệ cũng là một thách thức quan trọng, đặc biệt trong các ngành có mức độ phát thải cao như dệt may. Hiện tại, khoảng 40% thiết bị trong ngành này đã lạc hậu, khiến việc giảm phát thải carbon trở thành một vấn đề nan giải.
Nhận thức của doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và sẵn sàng đầu tư dài hạn cho quá trình này. Nhiều doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi liệu chuyển đổi xanh có thực sự mang lại lợi ích hay chỉ là một xu hướng ngắn hạn.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Trước những thách thức trên, theo Phó Chủ tịch HUBA, cần có những giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.
Để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng ngành, nghề và lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn để bảo đảm phát triển bền vững. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong việc ban hành các chính sách cụ thể và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh hiện đại và hiệu quả.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thuế và nghiên cứu phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường.
"Nếu có những sản phẩm xanh chất lượng cao hơn, hệ thống siêu thị của Central Retail sẵn sàng ưu tiên sử dụng và đưa vào hệ thống phân phối nhằm đẩy nhanh quá trình giảm thiểu rác thải nhựa và xây dựng một hệ thống bán lẻ bền vững", bà Vân chia sẻ.
Còn ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Dương khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động và quyết tâm hơn trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.